Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, hồi 7 giờ ngày 26-10, tâm ATNĐ cách tỉnh Khánh Hòa khoảng 270km, cách Ninh Thuận khoảng 250km; di chuyển 10km/giờ theo hướng Tây Tây Bắc, sức gió cấp 6, giật cấp 8. Cảnh báo từ ngày 26 đến 27-10, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên mưa 100-200mm, có nơi trên 200mm; các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên mưa từ 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Dự báo, trong 24 giờ tới trên địa bàn tỉnh ta có mưa vừa, mưa to, vùng núi các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái có mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 150-250mm. Trên biển có mưa to và dông mạnh, trên đất liền có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Vùng biển có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Về tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 2.520 chiếc/14.994 lao động, trong đó tàu neo đậu tại các bến, cảng của tỉnh là 2.275 chiếc/12.506 lao động, neo đậu tại các bến cảng tỉnh ngoài là 40 phương tiện/404 lao động. Lồng bè nuôi trồng thuỷ sản 265 chiếc/4.680 lồng/461 lao động.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống; hướng dẫn các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm di chuyển tránh trú, đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra tùy theo tình hình cấm biển; rà soát, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân cư khu vực trũng thấp, cửa sông, ven biển đến nơi an toàn, đặc biệt là những nơi còn đang bị ngập lụt; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi tập trung khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, nhất là các công trình ven biển như điện gió, điện mặt trời, công trình phòng chống sạt lở. Đối với các khu vực miền núi cần tổ chức lực lượng xung kích rà soát, kiểm tra an toàn nơi ở của người dân các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Phát biểu chỉ đạo sau cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, mưa lũ; thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão quy định. Rà soát, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tại các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; tổ chức gia cố công trình, nhà ở để đảm bảo an toàn. Tập trung chỉ đạo đưa tất cả người dân trên lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản vào bờ trước 16 giờ chiều ngày 26-10; triển khai phương án sơ tán dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập sâu do nước biển dâng, sóng, gió lớn, sạt lở. Đối với các địa phương có nguy cơ sạt lở, các khu vực có phong tỏa, cách ly nếu phải di dời cần phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch; thường xuyên báo cáo về Văn phòng UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, mưa lũ để ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra.
Hồng Nguyệt