Đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ (KHCN) đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/5, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh trong một số lĩnh vực KHCN vào năm 2020, rút ngắn khoảng cách về trình độ KHCN của nước ta với khu vực và thế giới.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2015 đội ngũ cán bộ KHCN Việt Nam có đủ năng lực trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.
Đến năm 2020, các tổ chức KHCN, doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm có đủ năng lực hợp tác với các đối tác nước ngoài, tiếp thu, làm chủ, đổi mới và sáng tạo công nghệ. Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Việt Nam xác lập được vị trí trong thị trường khu vực và thế giới.
Nâng cao chất lượng cán bộ KHCN
Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN, cán bộ quản lý. Cụ thể, liên kết với các đối tác có tiềm lực mạnh về KHCN của nước ngoài triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong một số lĩnh vực KHCN ưu tiên để hình thành các nhóm, tập thể KHCN mạnh.
Tạo điều kiện để cán bộ KHCN tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quốc tế, các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN, các hiệp hội chuyên ngành khu vực và quốc tế.
Một trong các nhiệm vụ khác của Đề án là thúc đẩy đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số sản phẩm quốc gia. Theo đó, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mua bản quyền sáng chế trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm để nghiên cứu, làm chủ, cải tiến và sáng tạo công nghệ mới.
Viện Chiến lược và Chính sách KHCN (Bộ KHCN) cho biết, tính đến giữa năm 2010, Việt Nam có gần 1.500 viện, trung tâm nghiên cứu với khoảng 2,6 triệu người tham gia nghiên cứu khoa học. Trong đó, có gần 60.000 người trực tiếp làm công tác nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác KHCN với gần 70 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, thực hiện hơn 80 hiệp định hợp tác KHCN cấp Chính phủ và Bộ. Việt Nam đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KHCN.
Từ năm 2000 đến nay đã có hơn 540 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế về KHCN được thực hiện, hơn 400 nhiệm vụ Nghị định thư đã và đang được thực hiện từ năm 2005. Đáng kể nhất là số lượng và trình độ đội ngũ nhà khoa học được nâng lên, đạt mức tiên tiến ở khu vực. Cơ chế hoạt động của các tổ chức KHCN đã được tổ chức theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát triển thị trường công nghệ, ứng dụng kết quả vào đời sống.
KHCN đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn www.chinhphu.vn