Hơn 2 tháng qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Lai, điều dưỡng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn kiên cường bám trụ tại Khu hồi sức điều trị COVID-19. Hiện tại khu điều trị đang tiếp nhận 71 bệnh nhân COVID-19 và liên quan. Do nhân lực mỏng, bệnh nhân lại đông, nên nhân viên y tế ở đây làm việc không kể đến giờ giấc, làm việc trong khu điều trị rất áp lực. Mỗi ngày làm việc trong môi trường có nguy cơ lây bệnh cao, khối lượng công việc nhiều từ lấy mẫu định kỳ; theo dõi các chỉ số dấu hiệu sinh tồn đến cấp phát thuốc cho bệnh nhân..., nhưng chị không chùn bước. Ngoài công việc chuyên môn điều dưỡng chị còn kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Đặc biệt, với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Khoa Nhi nên hầu hết việc chăm sóc, hỗ trợ điều trị các em bé có mẹ F0 đều do chị đảm nhận. Khác với những nhiệm vụ trước, tại nơi điều trị đặc biệt này, mỗi nụ cười hay tiếng khóc khát sữa của các bé đều là những “liều thuốc” tiếp thêm sức mạnh và động lực giúp chị tiếp tục chiến đấu với những đêm thức trắng, hỗ trợ điều trị bệnh. Chị chia sẻ: Phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm cũng lo lắm, nhưng khi vào việc là quên hết, chỉ mong sao chăm sóc cho bệnh nhân được khỏi bệnh, khỏe mạnh, là động lực, niềm vui, hạnh phúc công việc của chúng tôi.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Lai lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Xa gia đình đã gần 2 tháng nay, bác sĩ Nguyễn Ái Ly, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong 20 nhân viên y tế tình nguyện lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19. Để tiện làm việc liên tục trong nhiều giờ, nữ bác sĩ Ái Ly đã hy sinh mái tóc dài của mình, tránh gây vướng víu, bất tiện khi làm việc vì đồ bảo hộ rất khó mặc, cởi và mỗi lần thay ra không thể mặc lại. Ngày 24-8, đoàn chị tiếp nhận công tác tại tầng 3, Bệnh viện Quận 4 - nơi điều trị bệnh nhân nặng có tuổi cao, sức đề kháng yếu, có các bệnh lý nền... Làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, hằng ngày đối mặt với ranh giới sinh tử, bác sĩ Ly có những kỷ niệm, ký ức không thể quên trong cuộc đời gắn bó với nghề y. Đối mặt với bao hiểm nguy, vất vả thế nhưng chỉ cần nhìn thấy bước đi chập chững của người bệnh sau cơn nguy kịch, tiếng nói chuyện rôm rả trong khu ra viện hay những cái vẫy tay chào tạm biệt của bệnh nhân khi xuất viện, là chị và các đồng nghiệp như được tiếp thêm nghị lực, sức mạnh chiến đấu với kẻ thù vô hình - vi rút SARS-CoV-2.
Cùng với bác sĩ Ly, chị La Thị Thảo, điều dưỡng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tạm xa con nhỏ cùng đồng nghiệp xông pha vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù chồng đi làm xa nhà, con gái mới tròn 4 tuổi nhưng chị Thảo tạm gác nỗi niềm riêng, không ngại ngần viết đơn tham gia tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu. Qua điện thoại chị chia sẻ với chúng tôi: Công việc dẫu vất vả, hiểm nguy nhưng với chị nỗi nhớ con chính là thử thách lớn nhất. Nhiều lúc, con gọi điện khóc đòi mẹ, lòng chỉ muốn chạy về ngay bên con, ôm hôn con cho thỏa nỗi nhớ. Nhưng rồi nuốt nước mắt vào trong, tôi càng thêm cố gắng, tiếp tục cứu chữa bệnh nhân, mong sớm ngày đoàn tụ với con gái.
Ngành Y tế tỉnh có gần 2.800 người, trong đó có 1.917 nữ nhân viên y tế, điều dưỡng và y, bác sĩ. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đội ngũ nữ y tế đã tham gia ngay từ đâu công tác phòng, chống dịch; trực tiếp đối diện với hiểm nguy, từ những người làm nhiệm vụ sàng lọc cộng đồng, hay trong các phòng xét nghiệm, hoặc trực tiếp chăm sóc điều trị cho bệnh nhân COVID-19..., họ luôn cống hiến toàn bộ sức khỏe, trí tuệ, gạt những niềm riêng để vững vàng nơi đầu sóng. Bác sĩ Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Những nữ nhân viên y tế, không chỉ giỏi chuyên môn, tỉ mỉ, cẩn trọng trong công việc, mà còn phát huy rõ nét bản tính dịu dàng khi làm nhiệm vụ. Nhờ có họ, những người được lấy mẫu xét nghiệm, những bệnh nhân được chăm sóc, điều trị đều cảm thấy yên tâm, gần gũi hơn nhiều. Những ngày tháng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đối với nam giới đã là vất vả, đối với nữ giới sự vất vả đó tăng gấp bội lần. Tuy nhiên, với tinh thần xung kích, tình nguyện, dù biết phía trước là bao khó khăn, gian khổ nhưng họ vẫn một lòng hướng đến. Tin chắc rằng, với tinh thần, quyết tâm ấy, cuộc chiến với dịch COVID-19 sẽ sớm kết thúc và chiến thắng sẽ dành cho tất cả chúng ta.
Vất vả là thế, nhưng đằng sau những lớp khẩu trang in hằn lên khuôn mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, vã mồ hôi đã mặc trong nhiều giờ liền luôn là những nụ cười, là sự nhiệt huyết, sự tận tâm của các chị với công việc. Chẳng tính toán thiệt hơn, sẵn sàng gánh vác thêm vất vả, gian nan, xông pha vào “tâm dịch” của các nữ cán bộ y tế là những minh chứng cho vẻ đẹp phẩm chất của phụ nữ Việt Nam cứ thế tỏa sáng thật đẹp và đáng tự hào biết bao.
Mỹ Dung