Ngày 7-10, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình hình triển khai, thực hiện công tác cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2021.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Sở GD&ĐT trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy và học thích ứng với những diễn biến của tình hình dịch COVID-19 trong thời gian qua. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Sở GD&ĐT khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính để làm tốt hơn việc giải quyết hồ sơ công việc, không để tồn đọng; có kế hoạch, giải pháp ứng phó với tình hình dịch COVID-19 để làm tốt công tác dạy và học trong tình hình hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở GD&ĐT, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, đề xuất các sở, ngành liên quan phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết theo quy định.
* Cùng ngày, đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) các khu công nghiệp về phương án sản xuất an toàn của Công ty TNHH Thông Thuận và Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp. Ảnh: H.Nguyệt
Tại buổi làm việc, BQL các khu công nghiệp, Công ty TNHH Thông Thuận và Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị. Thời gian qua, các công ty đã triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19, xử lý khi có ca nhiễm một cách nghiêm túc; thực hiện đúng các quy trình để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, như: Chủ động ngưng hoạt động sản xuất và phối hợp với ngành Y tế để xét nghiệm thường ngày nhằm tầm soát và phát hiện sớm ca nhiễm. Cung cấp danh sách người tiếp xúc gần cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và tiến hành phong tỏa, khử khuẩn nhà máy, nhà ăn, khu làm việc; khoanh vùng khu vực tổ sản xuất đối với các ca nghi nhiễm. Đến nay, các công ty đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 được 90% số người lao động (NLĐ). Xây dựng các phương án xử lý dịch bệnh và đảm bảo sản xuất an toàn. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh về việc mở lại sản xuất nhằm giảm áp lực các đơn hàng cuối năm và tạo công ăn việc làm cho NLĐ.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động của các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, BQL các khu công nghiệp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để có phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các công ty cần xây dựng các phương án để đảm bảo sản xuất an toàn; quan tâm đến đời sống NLĐ, tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin cho công nhân; xem xét cho các doanh nghiệp lên kế hoạch quy định “vùng vàng”, “vùng xanh”, nhằm phục hồi sản xuất; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc quản lý, kiểm soát NLĐ khai báo y tế. Phấn đấu cùng với tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vào cuối năm.
* Cũng trong ngày 7-10, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành; các chỉ số cải cách hành chính (CCHC), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 9 tháng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh:H.Lâm
Từ đầu năm tới nay, Sở NN&PTNT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kịch bản phát triển sản xuất gắn với phòng, chống dịch COVID-19 sát với tình hình thực tế, đem lại kết quả cao. Các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, khai thác và sản xuất giống thủy sản đều có sản lượng tăng khá, cá biệt sản lượng lương thực tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản tiêu thụ ổn định trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đối với việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực CCHC, Sở đã ban hành nhiều văn bản, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động công chức, viên chức nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Xây dựng hiệu quả các giải pháp nâng cao các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS, PCI. Trong 9 tháng, ngành tiếp nhận và giải quyết 54.215 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân, đạt 100%; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả hoạt động phát triển sản xuất cũng như công tác CCHC. Chỉ đạo nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021, đồng chí đề nghị Sở NN&PTNT tập trung quán triệt và thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu đề ra. Theo đó, chú trọng tổ chức sản xuất gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp, đẩy mạnh liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy kêu gọi doanh nghiệp hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng; lên phương án đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ từ nay đến cuối năm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn được giao. Xác định CCHC là nhiệm vụ quan trọng, then chốt, đồng chí đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến toàn thể công chức, viên chức trong ngành, tăng cường đổi mới phương thức làm việc, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học - công nghệ trong giải quyết công việc, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhóm PV-CTV