Sinh viên ngành Y hỗ trợ từ xa cho F0 điều trị tại nhà

Không trực tiếp đến tâm dịch nhưng trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng, một số sinh viên ngành Y trên địa bàn tỉnh vẫn tình nguyện góp sức tham gia mô hình hỗ trợ theo dõi trực tuyến sức khỏe các F0 từ xa.

Tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh hiện tại đang quá tải, đa số F0 đang điều trị tại nhà nên Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thí điểm mô hình hỗ trợ theo dõi trực tuyến sức khỏe các F0, đầu tiên là ở quận 10. Khi biết tin nhà trường tuyển tình nguyện viên tham gia hỗ trợ F0 tại nhà, em Nguyễn Huy Hoàng (sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) ở thôn Lạc Nghiệp 2, xã Cà Ná (Thuận Nam) không ngần ngại đăng ký ngay. Đến nay, sau hơn 1 tháng tham gia, nhóm của em đã hỗ trợ cho hàng trăm bệnh nhân F0 trên địa bàn quận 8. Huy Hoàng chia sẻ: Mô hình hoạt động theo hình thức trực tuyến với nhiều đội, nhóm nên hầu như em phải trực điện thoại liên tục để kịp thời nắm bắt thông tin. Do tính chất công việc là hỗ trợ từ xa, nên em và các bạn trong nhóm sẽ phải online điện thoại thường xuyên, kịp thời tiếp nhận cuộc gọi và xử lý các vấn đề của người bệnh khi họ đang tự cách ly tại nhà. Đội hình hỗ trợ gồm nhiều nhóm và một nhóm sẽ có lực lượng bác sĩ và các sinh viên y. Mỗi ngày, đội sẽ nhận những danh sách F0 từ các phường gửi về và các bạn sẽ giúp giám sát, hỗ trợ quá trình điều trị tại nhà của các F0 này. Em thuộc nhóm 21, gồm 1 bác sĩ trưởng nhóm, 1 bác sĩ mới tốt nghiệp và 3 sinh viên chuẩn bị vào Y5. Thông thường vào buổi sáng nhóm sẽ tiếp nhận 20-30 F0 mới. Khi có danh sách, các bạn trong nhóm chia nhau gọi điện thoại cho từng bệnh nhân, những nhà có sử dụng công nghệ thông tin thì mình sẽ kết nối, lập nhóm trên Zalo và gọi video để khám, đánh giá sức khỏe mỗi ngày. Khi tiếp nhận bệnh, em sẽ trấn an giúp họ yên tâm hơn, sau đó hỏi các thông tin đánh giá sức khỏe, mức độ nhiễm bệnh như thế nào, họ có triệu chứng hay không và nguy cơ của họ như thế nào, sau đó mình sẽ lên lịch để theo dõi hằng ngày. Đối với bệnh nhẹ thì hướng dẫn bệnh sử dụng thuốc, ăn uống, sinh hoạt đảm bảo sức khỏe. Đối với những bệnh nhân nặng thì mình phải theo sát từng ngày, từng giờ nhất là những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền hoặc có nguy cơ cao. Đặc biệt khi bệnh trở nặng, nhóm sẽ liên lạc với đội cấp cứu hiện trường của mô hình theo dõi F0 điều trị tại nhà.

Em Lê Thị Như Uyên không quản vất vả,
luôn đồng hành hỗ trợ bệnh nhân F0 tại nhà.

Công việc mới nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng hầu hết các sinh viên trong đội hình bắt đầu công việc từ sáng sớm đến tối muộn, có hôm trực điện thoại cấp cứu tới 2-3 giờ sáng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 10-15 sinh viên ngành Y tham gia mô hình hỗ trợ F0 tại nhà. Dù không trực tiếp đến tâm dịch nhưng mỗi ngày các bạn đều thầm lặng đóng góp công sức của mình đồng hành cũng F0 trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Động lực duy nhất để “tiếp sức” các bạn là những lời nhắn cảm ơn của bệnh nhân khi xét nghiệm âm tính. Chia sẻ với chúng tôi, Lê Thị Như Uyên (sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh), thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn cho biết: Tuy thời gian em tham gia hỗ trợ chưa lâu nhưng mỗi bệnh nhân F0 đều để lại trong em một ấn tượng đặc biệt, trong đó em vẫn nhớ mãi cảm giác nhận được tin nhắn cảm ơn từ chị H.T.H 30 tuổi. Khi nhận bệnh chị H. đã test nhanh dương tính 6 ngày có triệu chứng ho, sốt, mất vị giác, mệt nhiều. Sau khám sàng lọc lần đầu cùng bác sĩ chung đội, nhận thấy tình trạng bệnh ổn nên em được giao hướng dẫn và chăm sóc bệnh nhân. Với những kiến thức đã được học, sự cố gắng hết mình của cả em và bản thân chị H.T.H sau 2 ngày triệu chứng đã giảm rất nhiều, sau 3 ngày thì khỏe hẳn, giờ chị H đang đợi đủ 14 ngày để được xét nghiệm và rất hy vọng kết quả là âm tính.

Chắc hẳn ít ai biết đến công việc thầm lặng, đáng trân trọng của Hoàng, của Uyên nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với lời thề Hippocrates thiêng liêng, các em đã và đang ngày đêm chia lửa với tuyến đầu, góp phần nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.