Công văn nêu rõ: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, ngày 24/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016 - 2020; các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh đã tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả, từng bước đưa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng đi vào nền nếp, hiệu quả. Hệ thống các trường ngoài công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục phát triển và ngày càng có chất lượng cao hơn, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của toàn xã hội.
Một góc cơ sở vật chất tại trường THPT Nguyễn Trãi được đầu tư góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Văn Nỷ
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo thực hiện; có nơi còn xem công tác xây dựng xã hội học tập đơn thuần như một phong trào nên thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ mang tính nền tảng, do đó kết quả xây dựng xã hội học tập tuy có phát triển nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp. Một số Trung tâm học tập cộng đồng thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của lãnh đạo địa phương hoạt động chưa hiệu quả; các lớp bồi dưỡng, tập huấn đào tạo có tăng về số lượng, nhưng chất lượng hiệu quả còn thấp, các mô hình học tập, chương trình, tài liệu còn thiếu; Hội Khuyến học các cấp chưa thực sự đổi mới về phương thức hoạt động, năng lực, trình độ cán bộ Hội Khuyến học cơ sở còn hạn chế...
Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập để tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng xã hội học tập theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030: “Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động” để đặt làm mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở các địa phương, đơn vị.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc và nghiêm túc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy về xây dựng xã hội học tập, nhất là Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Rà soát các văn bản, quy định, định hướng của Trung ương về giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới; công tác xây dựng xã hội học tập và các nội dung liên quan; đồng thời nghiên cứu tình hình thực tế của địa phương để triển khai lãnh đạo thực hiện đồng bộ các mặt công tác: Xây dựng xã hội học tập; khuyến học, khuyến tài; phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, qua hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác; lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan như: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời và ngày Sách Việt Nam hằng năm. Vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân xây dựng, duy trì thói quen tự học, ý thức học tập suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân.
Tăng cường chỉ đạo phối hợp giữa các cấp, các ngành đẩy mạnh hoạt động xây dựng xã hội học tập. Nhân rộng và phát huy tính hiệu quả của các mô hình học tập với những nội dung, tiêu chí cụ thể, thiết thực; định kỳ tổ chức bình xét, đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời. Chỉ đạo triển khai và thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch về dạy nghề, giải quyết việc làm, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, đặc biệt là ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập từ cấp tỉnh đến cấp các xã; tiếp tục đào tạo cán bộ, công chức làm công tác xây dựng xã hội học tập ở các trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng các mô hình trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả.
Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo việc rà soát hệ thống các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến các lĩnh vực: khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ để nghiên cứu, xây dựng một Kế hoạch triển khai chung đến năm 2025, không để riêng biệt như các văn bản hiện nay. Trong lãnh đạo triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 cần quan tâm đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ và phương thức đào tạo, học tập phù hợp với tình hình dịch bệnh; đồng thời đặt ra yêu cầu đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số để làm một trong những tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các địa phương, trong các cơ sở giáo dục.
Hội Khuyến học các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Kịp thời đề xuất khen thưởng, tôn vinh, ghi nhận các cá nhân tiêu biểu, tổ chức có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để lan tỏa, nhân rộng trong toàn xã hội; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài phục vụ cho các hoạt động học tập suốt đời, hỗ trợ người lao động trong học tập, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tình hình thực hiện văn bản chỉ đạo này để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo kịp thời.
HL