Năm học 2020-2021, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong thời gian trẻ ở nhà; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng; vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, hoàn thành mục tiêu kép, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Theo đó, ở bậc học mầm non, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đa dạng, đáp ứng nhu cầu trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non 99,7%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%. Mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn ở phổ thông tiếp tục được nâng lên…
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh ta.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực của toàn ngành, các địa phương và toàn xã hội cho phát triển GD&ĐT trong năm học qua; nhấn mạnh năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ 2021-2026; Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…; Thủ tướng yêu cầu ngành GD&ĐT phối hợp với các cấp, ngành, địa phương hoàn thiện thể chế về GD&ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục; căn cứ thực tế mỗi địa phương để thực hiện sắp xếp lại hệ thống trường lớp, từng bước ổn định đội ngũ về cả số lượng và chất lượng, ưu tiên đội ngũ thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến cả trong trường hợp bình thường lẫn trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không để bị động lúng túng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học, giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần quan tâm ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ việc dạy học, và hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để không em nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng phân cấp và thanh tra kiểm tra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD&ĐT...
Xuân Nguyên