Dị ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho cơ thể người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc. Dị ứng thuốc chiếm gần một phần tư các tai biến thuốc trong môi trường bệnh viện, nó phụ thuộc vào liều lượng thuốc. Các phản ứng dị ứng thuốc thật thường ngứa hoặc có biểu hiện ngoài da. Có nhiều phản ứng không phải do dị ứng thuốc, cần phân biệt và đề phòng.
Dị ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc (có sự kết hợp dị nguyên với kháng thể hoặc với lympho bào mẫn cảm), do đã có giai đoạn mẫn cảm và gây ra những phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân. Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng thuốc, có tính mẫn cảm chéo, với một số triệu chứng và hội chứng lâm sàng đặc trưng, thường có biểu hiện ngoài da và rất ngứa. Nếu dùng lại thuốc này hoặc họ hàng với nó thì phản ứng sẽ xảy ra nặng hơn và có thể tử vong.
Dị ứng thuốc thật (dị ứng thuốc đích thực hoặc dị ứng thật do thuốc) thường không khởi phát trong lần đầu tiên tiếp xúc với thuốc. Đó là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho cơ thể người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc những lần sau do đã có giai đoạn mẫn cảm (khoảng thời gian từ khi bệnh nhân dùng hoặc tiếp xúc với một thuốc nào đó lần đầu đến khi khởi phát triệu chứng dị ứng thuốc đầu tiên ở người bệnh, khoảng thời gian này kéo dài từ 7-21 ngày, tức là có quá trình hình thành kháng thể đặc hiệu), do đó có sự kết hợp dị nguyên-kháng thể (hoặc với lympho bào mẫn cảm).
Dị ứng thuốc chiếm gần một phần tư các tai biến thuốc trong môi trường bệnh viện, nó phụ thuộc vào liều lượng thuốc. Dị ứng thuốc có tính mẫn cảm chéo, tức là người bệnh khi bị dị ứng với một loại thuốc sẽ tự động dị ứng với các loại thuốc khác là dẫn xuất của nó, hoặc có cấu trúc hóa học tương tự hoặc có sản phẩm chuyển hóa gần tương đương. Ví dụ: bệnh nhân có phản ứng dị ứng với thuốc penicillin thì họ không thể hoặc phải rất thận trọng khi dùng các loại thuốc khác trong họ beta-lactam.
Bệnh nhân bị dị ứng thật với một thuốc chống co giật nào đó thì họ cũng không thể hoặc phải rất thận trọng khi dùng các loại thuốc khác cùng nhóm chống co giật… vì nó có thể gây những phản ứng rất tai hại. Dị ứng thuốc thật có biểu hiện bằng một số triệu chứng và hội chứng lâm sàng đặc trưng: sốc phản vệ, mày đay, phù Quincke, viêm da tiếp xúc… Các phản ứng dị ứng thuốc thật thường ngứa hoặc có biểu hiện ngoài da do hậu quả của phản ứng kết hợp dị nguyên - kháng thể hoặc với lympho bào mẫn cảm, dẫn đến giải phóng các hóa chất trung gian: histamin, serotonin, bradykinin…
Những chất này ngoài tác dụng gây ra các triệu chứng dị ứng khác, nó còn kích thích các đầu mút dây thần kinh cảm giác và gây ngứa. Cuối cùng nếu bệnh nhân dị ứng thật với một thuốc thì bạn hầu như sẽ không được dùng lại thuốc đó, vì phản ứng dị ứng những lần sau sẽ nặng hơn và trầm trọng hơn những lần trước, có thể dẫn đến tử vong.
Dị ứng thuốc giả (dị ứng giả do thuốc) là tình trạng bất thường của cơ thể người bệnh sau khi dùng thuốc, có biểu hiện lâm sàng giống như dị ứng thuốc. Tuy nhiên những phản ứng này không có giai đoạn mẫn cảm. Loại phản ứng này không có tính mẫn cảm chéo. Nếu ai đó bị tai biến không phải dị ứng thật với thuốc nào đó thì họ vẫn có thể dùng lại nó mà không sợ phản ứng có hại nặng hơn. Hai loại phản ứng có hại do thuốc hay nhầm với dị ứng thuốc là tác dụng phụ của thuốc và tình trạng không dung nạp do thuốc.
Sự khác biệt giữa dị ứng thật do thuốc và dị ứng giả do thuốc không chỉ thể hiện qua lý thuyết mà còn thể hiện rõ trên lâm sàng. Ví dụ, bệnh nhân không dùng với penicillin làm cho họ đau đớn do dạ dày co thắt. Nhưng nếu buộc phải dùng penicillin để chữa một bệnh nhiễm trùng nào đó thì bệnh nhân vẫn an toàn khi không có loại thuốc nào để thay thế, mặc dù bệnh nhân vẫn phải chịu đựng những cơn đau quặn dạ dày do penicillin gây ra. Ngược lại nếu bệnh nhân trong tiền sử bị co thắt đường thở, tính mạng bị đe dọa do dị ứng với penicillin thì chắc chắn họ sẽ không thể và không dám dùng thuốc này vì tử vong có thể xảy ra lập tức.
Theo Sức khỏe và Đời sống