Hầu hết các trường Đại học đã công bố số hồ sơ nhận được. Dựa trên số hồ sơ và chỉ tiêu được Bộ Giáo dục - Đào tạo giao, các trường cũng đã nhận diện tỷ lệ “chọi” của mùa tuyển sinh năm nay.
Theo công bố của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tổng số hồ sơ trường nhận được trong kỳ tuyển sinh Đại học - Cao đẳng năm nay là 72.000 hồ sơ, tăng 19.000 bộ so với năm 2010. Với 8.700 chỉ tiêu tuyển mới, tỷ lệ “chọi” vào trường khoảng 1/8. Đứng sau Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm nay Đại học Nông nghiệp Hà Nội nhận được 51.000 hồ sơ đăng ký dự thi (tăng khoảng 8.000 hồ sơ so với năm trước). Với chỉ tiêu 5.000, tỷ lệ “chọi” của trường năm nay vào khoảng 1/10.
Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi Đại học - Cao đẳng năm 2011 tại Sở Giáo dục - Đào tạo
TP. Hồ Chí Minh
Tương tự, tỷ lệ “chọi” của Học viện Ngân hàng vào khoảng 1/6; Đại học Bách khoa Hà Nội với 16.000 bộ hồ sơ (tỷ lệ “chọi” khoảng 1/2,7); Đại học Kinh tế Quốc dân: 24.348 bộ (tỷ lệ khoảng 1/5); Đại học Mỏ - Địa chất: 16.000 hồ sơ (tỉ lệ khoảng 1/4,5); Đại học Giao thông Vận tải: khoảng 18.000 hồ sơ (tỷ lệ khoảng 1/4,5); Học viện Báo chí tuyên truyền: khoảng 8.500 hồ sơ ĐKDT (tỷ lệ khoảng 1/5,6). ĐH Dược: 2.500 hồ sơ ĐKDT (tỷ lệ khoảng 1/4,5); Đại học Y Hà Nội: khoảng 15.931 hồ sơ (tỷ lệ khoảng 1/16); ĐH Thương mại: 39.000 hồ sơ ĐKDT (tỷ lệ khoảng 1/11); Đại học Luật: khoảng 11.570 hồ sơ (tỷ lệ khoảng 1/6,9)...
Với tổng số khoảng 14.597 hồ sơ nhận được trong kỳ tuyển sinh 2011, tỷ lệ “chọi” vào trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) vào khoảng 1/5. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM nhận được 16.447 hồ sơ ĐKDT. Năm 2011, trường tuyển mới 6.150 chỉ tiêu, như vậy, tỷ lệ “chọi” vào trường năm nay khoảng 1/2,7. Trường Đại học Văn hóa, số lượng hồ sơ nhận được năm nay là 6.930, chỉ tiêu của trường là 1.100. Như vậy, tỷ lệ “chọi” của trường dự kiến 1/6. Trường ĐH Dược, nhận được 2.500 bộ hồ sơ, chỉ tiêu của trường 550. Dự kiến tỷ lệ “chọi” là 1/4,5...
Tuy nhiên, theo tư vấn của các chuyên gia tuyển sinh cũng như thực tế các mùa tuyển sinh gần đây, thí sinh không nên hoang mang khi nhìn vào tỷ lệ “chọi” cao chót vót của một số trường. Thực tế, tỷ lệ “chọi” này chỉ là “thực” khi các thí sinh hoàn thành việc làm thủ tục dự thi trước ngày thi Đại học - Cao đẳng diễn ra.
Ngoài ra, theo thực tế các năm, không phải cứ trường nào có tỷ lệ “chọi” cao cũng đồng nghĩa với điểm trúng tuyển vào trường cũng sẽ cao theo. Đơn cử như những năm gần đây, Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn có số hồ sơ đăng ký dự thi cao nhất, tỷ lệ “chọi” cũng khá cao, nhưng hàng năm, điểm chuẩn vào trường chỉ ở mức trung bình, dao động trong khoảng từ 15-18 điểm. Hay như Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 2010 điểm chuẩn cũng chỉ tương đương hoặc cao hơn 1 chút so với điểm sàn... Trong khi đó, những trường tỷ lệ “chọi” không quá cao như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Y Hà Nội... nhưng điểm đầu vào vẫn rất cao vì đó là trường “tóp trên”, chỉ những thí sinh xuất sắc mới dự thi.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc chọn trường căn cứ vào tỉ lệ “chọi” dễ đưa ra quyết định sai lầm, vì tỉ lệ này thường diễn biến không nhất quán giữa các năm. Mức độ cạnh tranh, khả năng trúng tuyển vào phần lớn các trường Đại học - Cao đẳng không phụ thuộc nhiều vào số lượng dự thi nhiều hay ít mà điều quan trọng là năng lực, trình độ của chính mỗi thí sinh. Tỷ lệ “chọi” này chỉ là con số để tham khảo. Sự thật, mức độ cạnh tranh vào trường chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng thí sinh. Thí sinh nên quyết định chọn trường thi dựa trên năng lực của mình cũng như điều kiện thực tế.
Thêm 15 chương trình liên kết đào tạo được phê duyệt
Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục - Đào tạo) vừa công bố danh mục mới nhất các chương trình liên kết đào tạo đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt tính đến ngày 28-4. Theo đó, đã có tổng số có 142 chương trình liên kết đào tạo của 52 cơ sở đào tạo được phê duyệt; tăng thêm so với công bố lần trước 15 chương trình. Danh sách kể trên không bao gồm các chương trình liên kết đào tạo do các trường Đại học quốc gia và Đại học vùng cấp phép cho các đơn vị thành viên.
Nguồn Báo SGGP