Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp và gián tiếp...

Xét nghiệm, phát hiện virus HIV

Ngày 9/5/2011, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành văn bản số 27-TB/TW thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới".

Trong 5 năm qua, việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiến hành nghiêm túc, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc với nhiều mô hình, nhiều cách làm có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW còn một số hạn chế, yếu kém. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chưa trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; một số hoạt động còn phó mặc cho ngành Y tế…

Tiếp tục thực hiện tốt 6 giải pháp

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Chỉ thị số 54-CT/TW, Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và toàn xã hội cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đề ra trong Chỉ thị 54-CT/TW.

Đó là, xác định HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. Công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và phức tạp; đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp và gián tiếp.

Duy trì và đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; chú trọng truyền thông ở vùng sâu, vùng xa và vùng các dân tộc ít người; tập trung giáo dục cho thanh, thiếu niên nhằm mục đích dự phòng sớm.

Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại, trong đó chú ý triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp điều trị nghiện một cách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Gắn kết chặt chẽ việc đào tạo với công tác nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng các thành tựu nghiên cứu trong và ngoài nước về phòng, chống HIV/AIDS.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS thành chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư ngân sách tạo sự phát triển bền vững cho chương trình, đảm bảo thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015.

Nguồn www.chinhphu.vn