Ban Bí thư chỉ đạo các giải pháp xây dựng gia đình

Khẳng định xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại, Ban Bí thư yêu cầu bên cạnh giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam cần ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa xấu bên ngoài tác động vào gia đình.

Cần giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam
Ảnh: Một gia đình văn hóa cấp thành phố của Ninh Bình

Ngày 9/5/2011, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành văn bản số 26-TB/TW thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, công tác xây dựng gia đình đã đạt được một số thành tựu nhất định. Điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể, gia đình đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện chức năng của mình. Tuy nhiên, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế, yếu kém.

Giảm các yếu tố rủi ro đối với gia đình

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 49-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp mà Chỉ thị đã đề ra.

Đó là giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình hỗ trợ gia đình có hiệu quả; phê phán những biểu hiện không đúng, không lành mạnh trong cuộc sống gia đình. Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa xấu bên ngoài tác động vào gia đình.

Thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, ổn định cuộc sống.

Chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục và hôn nhân đồng giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xâm hại tình dục trẻ em, bất bình đẳng giới trong gia đình. Tăng cường hỗ trợ gia đình thực hiện các chức năng của gia đình; tiến hành các giải pháp can thiệp nhằm giảm các yếu tố rủi ro đối với gia đình. Xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính thai nhi.

Phát triển các dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các gia đình; từng bước hoàn thiện chế độ chăm sóc người cao tuổi; tăng cường giáo dục, xử lý người vi phạm chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng ông, bà, cha mẹ theo quy định của pháp luật.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và tổ chức có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030. Hoàn thiện các chỉ số về gia đình, ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình thống nhất toàn quốc. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về công tác gia đình; kiện toàn cơ quan chuyên trách làm công tác gia đình; thành lập ban chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, huyện và xã; nâng cao năng lực hoạt động, vai trò phối hợp liên ngành.

Các đoàn thể chính trị - xã hội, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của mình, phát động các cuộc vận động xây dựng gia đình phù hợp với nhu cầu của hội viên, đoàn viên và yêu cầu của phát triển gia đình. Tạo môi trường và động lực thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội tham gia xây dựng gia đình Việt Nam.

Nguồn www.chinhphu.vn