Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã nhấn mạnh như vậy khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo ông, Bác là nhà tư tưởng Mác-xít sáng tạo vào bậc nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20 nhưng phong cách của Người là phong cách hành động hướng tới thực tiễn và hiệu quả. Cuộc đời Bác là tấm gương về thực hành và Người để lại cho chúng ta 5 bài học lớn.
Bác đang cùng bà con nông dân thử nghiệm máy cấy mới ở ngoại thành Hà Nội năm 1961.
Bài học thứ nhất là gắn lý luận với thực tiễn và Người chủ trương từ thực tiễn để kiểm tra lý luận và phát hiện lý luận mới. Đó là phẩm chất tư duy độc lập sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó Người kết luận, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là phẩm chất quan trọng nhất, là nguyên tắc tối cao của Chủ nghĩa Mác-Lênin mà Bác và Đảng ta đã thực hành trong những năm qua.
Bài học thứ hai là thực hành về dân chủ. Bác Hồ không chỉ là nhà lý luận về dân chủ mà còn là người thực hành về dân chủ rất mẫu mực.
Bác để lại cho chúng ta một câu nói nổi tiếng nhưng hết sức giản dị: “Dân chủ chính là dân làm chủ”. Bác còn nói thực hành dân chủ là chiếc chìa khóa duy nhất giải quyết được mọi khó khăn.
Như vậy là từ hơn nửa thế kỷ trước, Bác là người đã phát hiện được vai trò động lực của dân chủ với tiến độ và phát triển. Mà dân chủ đó phải thực chất, tránh dân chủ hình thức, tập trung quan liêu, vi phạm quyền làm chủ của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh đẹp nhất của một vị lãnh tụ gần dân, thương dân, quí trọng dân và làm tất cả cho dân được hưởng hạnh phúc.
Những năm cuối đời, nhất là khi viết bản Di chúc lịch sử, Bác đặc biệt chú trọng đến thực hành dân chủ trong Đảng, vì Người cho rằng dân chủ trong Đảng sẽ là tấm gương thúc đẩy toàn bộ dân chủ trong xã hội. Mà muốn có dân chủ thì phải tôn trọng những ý kiến khác nhau, nhất là của giới trí thức. Bác nói: Nước ta là một nước dân chủ, trong một nước dân chủ thì ai ai cũng có quyền tự do thảo luận, tranh luận để tìm tòi chân lý.
Bác lại dặn cán bộ, đảng viên là: “Các cô các chú nhớ là dân chủ chứ không được làm quan chủ”. Tức là quyền lực của dân ủy thác cho mình phải thực hiện. Bác lại dặn là “đầy tớ công bộc của dân chứ không được lên mặt quan cách mạng”.
Bài học thứ ba là thực hành về đoàn kết. Đây cả là một chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Mà có dân chủ thực chất thì mới đoàn kết thực chất được, mới dẫn đến sức mạnh đồng thuận của xã hội. Chúng ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới thì rất cần phát huy bài học dân chủ và đoàn kết này.
Bài học thứ tư là thực hành dân vận. Công tác xã hội với quần chúng, vận động không sót một người nào, không phí phạm tài năng nào dù nhỏ nhất, bởi vì sức mạnh ở trong dân, quyền lực, lợi ích là ở trong dân. Mà dân vận ở theo Bác phải là “không được chỉ tay năm ngón, không được hành chính mệnh lệnh”; “phải óc nghĩ, mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm”.
Bài học thứ năm là thực hành đạo đức cách mạng. Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho đây là bài học thực hành lớn nhất, là bài học lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", đó là đạo đức của người cánh mạng. Có như vậy thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh.
Trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm chính là chúng ta hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bằng các chương trình, mục tiêu, dự án… cụ thể, sát hợp với nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, từng cơ quan, đơn vị. Chỉ có như vậy chúng ta mới đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Nguồn www.chinhphu.vn