Giải pháp nào cho rác thải nông thôn?

Tỉnh ta đang đẩy mạnh việc triển khai xây dựng môi trường “xanh-sạch- đẹp”, theo đó đã có nhiều hoạt động làm sạch môi trường được thực hiện. Tuy nhiên hiện nay bên cạnh rác thải thành phố đã cơ bản được thu gom xử lý thì vấn đề rác thải nông thôn vẫn còn là một bài toán khó giải.

Thực trạng

(NTO) Có dịp đi qua các vùng quê, điều dễ nhận thấy đó là rác thải nông thôn vẫn còn xuất hiện rất nhiều trên các vệ đường, trước cổng làng, chân cầu, mương nước, ao hồ và các bãi đất trống trong khu dân cư. Rác chất đống nhiều ngày, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của mọi người dân. Trong khi đó, hầu hết lượng rác thải nông thôn lại không được phân loại và xử lý.

Không khó để bắt gặp cảnh rác thải bừa bãi trong khu vực nông thôn.

Thực trạng rác thải nông thôn đã được nhiều địa phương tìm hướng giải quyết nhưng không phải dễ. Mỗi ngày tại các vùng nông thôn thải ra một lượng rác sinh hoạt khá lớn. Mặc dù đất rộng nhưng thực tế là các xã lại không quy hoạch được các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác do vậy mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của nhà mình. Và cách xử lý được áp dụng nhiều và được coi là thuận lợi nhất với người dân đó là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể vứt được. Người này thấy người kia đổ được thì mình cũng tham gia và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp thôn.

Qua tìm hiểu tại một số xã, chúng tôi nhận thấy hầu hết các địa phương đều cho rằng việc tìm chỗ để bố trí bãi rác tập trung là điều rất khó. Có xã từ nhiều năm nay đã xây dựng đề án xử lý rác thải theo hướng tổ chức thu gom tập trung về một bãi rác chung nhưng do xã toàn đất ruộng không còn biết chọn chỗ nào làm bãi rác.

Lời giải nào cho bài toán rác thải nông thôn

Theo anh Lê Hoàng Sơn, cán bộ truyền thông Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thì: Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề rác thải nông thôn là tổ chức đội thu gom tập trung rác về một điểm để xử lý. Muốn vậy thì các địa phương phải có đủ phương tiện, trang thiết bị và đội ngũ thu gom rác. Tại tỉnh ta từ khi có nhà máy chế biến rác thải của Công ty TNHH XDTM và SX Nam Thành thì vấn đề rác thải đã có hướng giải quyết là thu gom mang về nhà máy xử lý để tận thu chế biến làm phân bón. Hiện nay, ngoài việc xử lý rác thải của thành phố thì các huyện cũng đã tuỳ theo điều kiện và kinh phí của mình để hợp đồng với nhà máy tổ chức thu gom rác. Theo đó hiện đã có 14 xã, thị trấn thuộc 4 huyện đã được xe chở rác của nhà máy đến thu gom. Cụ thể là: xã Lợi Hải, Bắc Phong (huyện Thuận Bắc), các xã có QL 27 đi qua thuộc huyện Ninh Sơn như Lâm Sơn, Lương Sơn, Tân Sơn, Quảng Sơn, Mỹ Sơn và Nhơn Sơn; thị trấn Phước Dân, xã An Hải (Ninh Phước); thị trấn Khánh Hải, các xã Xuân Hải, Tân Hải, Hộ Hải (Ninh Hải). Còn lại vẫn nhiều xã vùng nông thôn chưa có phương án liên kết để thu gom xử lý rác thải. Do đó tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn là chuyện thường ngày chưa được giải quyết.

Ông Trần Đình Minh, Giám đốc công ty TNHH XDTM và SX Nam Thành cho biết: Để thực hiện việc thu gom xử lý rác thải nông thôn thì cần phải có sự phối hợp thống nhất giữa chính quyền địa phương và nhà máy. Về phía nhà máy thì hiện nay đảm bảo đủ công suất và phương tiện để xử lý hết nhu cầu rác thải trong toàn tỉnh. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là các địa phương phải có phương án phối hợp và có kinh phí để chi trả tiền thu gom và xử lý rác. Nhà máy chỉ hỗ trợ khoảng 30% chi phí xử lý vận chuyển còn lại tùy theo địa hình, quãng đường các địa phương phải chi trả cho công ty từ 50 – 70% chi phí còn lại. Cũng theo ông Minh thì trong thời gian lâu dài hướng giải quyết tốt nhất là các địa phương cân đối kinh phí, phối hợp với nhà máy để mở rộng công tác thu gom rác xử lý rác thải nhất là các địa phương có đường sá đi lại thuận lợi, mặt bằng đời sống người dân tương đối khá giả.

Đối với những xã xa trung tâm, có điều kiện về bãi xử lý rác huyện cần hỗ trợ địa phương kinh phí mua phương tiện, các hộ dân đóng góp kinh phí, địa phương tổ chức đội thu gom chở rác đến bãi rác tâp trung xa khu dân cư để xử lý. Trước mắt, một số vùng nông thôn nghèo, chưa có điều kiện để có xe chở rác và đội ngũ thu gom thì giải pháp hữu hiệu là tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi; khuyến cáo bà con nên tận dụng vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại tới môi trường như: túi nilon, các sản phẩm bao bì bằng nhựa, thuỷ tinh…Có như vậy thì vấn đề rác thải vệ sinh nông thôn mới được giải quyết tốt đảm bảo đời sống của người dân cũng như mỹ quan chung tại các vùng nông thôn.