Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vai trò hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH-CN của Trung tâm ngày càng định hình rõ nét. Đặc biệt, thông qua hỗ trợ của ngành chức năng, nhất là sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu trên lĩnh vực cây trồng, vật nuôi và thủy sản phù hợp với đặc thù khí hậu của tỉnh được triển khai rộng rãi và đi vào chiều sâu, khai thác được tiềm năng lợi thế, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mô hình thử nghiệm nuôi cá bóp của Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Lĩnh vực sản xuất giống thủy sản được xem là thế mạnh của Trung tâm, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã chủ trì thực hiện hoàn thành 2 đề tài KH-CN cấp tỉnh về nghiên cứu ứng dụng quy trình sinh sản nhân tạo và nuôi hàu Thái Bình Dương; nghiên cứu quy trình ứng dụng vi sinh vật có khả năng ức chế “Vibrio parahaemolyticus” gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng nuôi thương phẩm và 1 dự án KH-CN cấp quốc gia ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương và cá mú tại Đầm Nại (Ninh Hải). Ngoài ra, đã ứng dụng sản xuất thử nghiệm thành công một số đối tượng giống như: Giống cá mú đen, cá bè vẫu, cá bóp, cá rô phi dòng GIFT... Về giống cây trồng, đã nghiên cứu phục tráng giống lúa siêu nguyên chủng để sản xuất thương mại như TH4, TH6 và các giống nho rượu Syrah, Sauvignon Blanc. Đối với giống vật nuôi, đơn vị tập trung tiếp cận quy trình công nghệ phối tinh cừu Dorpe với giống cừu Phan Rang để tạo con giống có ưu thế lai, đáp ứng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công nghệ phối tinh giữa giống bò 3B với bò Bradman cho kích thước và sản phẩm thịt chất lượng.
Từ những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm thành công trên các đề tài khoa học, Trung tâm đã tổ chức chuyển giao giống hàu Thái Bình Dương cho 3 cơ sở và giống cá biển cho 11 cơ sở, phục vụ nhu cầu phát triển nuôi ở các địa phương ven biển. Qua thực tế sản xuất hiệu quả, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 100 hộ mở rộng mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương và có khoảng 250 hộ nuôi cá biển các loại, đem lại thu nhập cao hơn so với các đối tượng nuôi truyền thống. Cùng với đó, hằng năm đơn vị sản xuất thương mại từ 250-300 tấn lúa giống TH6, TH41 cung ứng cho nhu cầu trong tỉnh; góp phần nâng cao tỷ lệ diện tích gieo xạ bằng giống lúa cấp xác nhận. Một hoạt động khác luôn được Trung tâm chú trọng đó là tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, qua kiến thức từ các chương trình đã giúp nông dân từng bước tiếp cận kỹ thuật mới, giúp giảm chi phí và giá thành sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Đến nay, Trung tâm đã làm chủ được nhiều quy trình công nghệ sản xuất giống và có thể chủ động chuyển giao đến hộ nuôi. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đào tạo, nâng cao tay nghề cho cán bộ làm công tác nghiên cứu; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tạo ra con giống chất lượng tốt, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Hồng Lâm