Thảm họa lũ lụt Tây Âu - lời cảnh báo từ tình trạng biến đổi khí hậu

Đợt mưa lũ lịch sử bắt đầu từ ngày 14-7-2021 vừa qua, chủ yếu ảnh hưởng đến một số khu vực ở Tây Âu (trong đó có Đức, Bỉ, Hà Lan), khiến hàng trăm người thiệt mạng. Giới chuyên gia cho rằng đợt mưa, lũ này là do tác động của biến đổi khí hậu.

 Thiệt hại thảm khốc về người và của

Những trận mưa lớn quét qua qua khu vực rộng lớn ở Tây Âu khiến nhiều vùng ở các nước Đức, Bỉ và Hà Lan chịu thiệt hại nặng.

Trận lũ lụt này được đánh giá là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất tại Đức trong 6 thập kỷ qua, khiến ít nhất 165 người thiệt mạng. Miền Tây nước Đức ngập trong nước lũ trong 2 ngày cuối tuần qua; nhiều ô tô, cầu cống, cây cối bị cuốn trôi trong khi nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Bang Rhineland-Palatinate, miền Tây nước Đức là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 117 người thiệt mạng. Mưa lũ không chỉ xảy ra ở miền Tây mà còn hoành hành ở miền Nam nước này. Mưa lũ đã làm mất điện và sập các trạm ăngten viễn thông, khiến người dân không thể nhận được cảnh báo kịp thời. Mưa lũ đã khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình mất điện; gây sập, sạt lở cầu đường khiến rất nhiều tuyến đường bị phong toả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông vận tải và đi lại.

Đây được xem là một trong những thảm hoạ thiên tai tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông bị "choáng váng" vì sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt. Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ bà đã bị sốc khi thấy những hình ảnh đau thương, gọi đây là thảm kịch quốc gia. Chính phủ Đức cam kết sẽ viện trợ khẩn cấp ít nhất 300 triệu euro (354 triệu USD) cho các nạn nhân vùng lũ cũng như xây dựng chương trình tái thiết trị giá hàng tỷ euro ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Mưa lũ không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới các vùng của nước Đức mà còn ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở quốc gia láng giềng Áo. Thành phố Hallein thuộc bang Salzburg của nước này đã phải kích hoạt chế độ báo động bảo vệ dân sự. Trong khi đó, các cơ quan dịch vụ khẩn cấp ở Hà Lan đã được đặt trong tình trạng báo động, trong khi nước vẫn ở mức cao trên khắp tỉnh Limburg ở miền Nam, nơi hàng chục nghìn người đã được sơ tán. Nhiều khu vực ở Thụy Sĩ cũng duy trì cảnh báo mưa lũ.

Tại Bỉ, trận lũ lụt lịch sử đã nhấn chìm tỉnh Liège và một số thành phố ở miền Đông và Nam thuộc vùng Wallonie khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và 116 người mất tích, phá hủy hàng chục ngôi nhà. Đây là trận lũ lụt lịch sử chưa từng xuất hiện ở Bỉ trong vòng 200 năm qua và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. "Mưa lũ như sóng thần" quét qua khu vực Leige và Verviers, khiến các con sông Meuse và Vesdre vỡ bờ và gây ra cảnh tượng chết chóc và đổ nát. Hàng nghìn người rơi vào cảnh thiếu điện và nước sạch. Thành phố Brussels đã quyết định hủy bỏ lễ hội mừng quốc khánh diễn ra vào ngày 21-7. Thành phố Namur, thủ phủ của vùng Wallonie, cũng hủy bắn pháo hoa mừng quốc khánh. Thủ hiến vùng Wallonie thông báo chính phủ vùng quyết định hỗ trợ khẩn cấp 2 tỷ euro cho các địa phương bị ảnh hưởng để tái thiết sau lũ lụt. Một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền các địa phương hiện nay là xử lý hàng tấn rác thải tích tụ sau trận lũ.

Hậu quả của biến đổi khí hậu

Theo nhận định của Liên hợp quốc, thảm họa lũ lụt ở vùng Tây Âu là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu đang hiện hữu, các vụ mưa lũ là xu hướng chính liên quan tới biến đổi khí hậu vốn dẫn tới tình trạng thời tiết cực đoan.

Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết các đợt sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt do mưa lớn đã quét qua toàn bộ Bắc Bán cầu trong mùa Hè này, khiến hàng trăm người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa. WMO nêu rõ tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến những hình thái thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn, tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, châu Âu không chỉ chịu tác động của các đợt mưa lớn và lũ lụt. Vùng Scandinavia, và đặc biệt là ở Phần Lan, đã ghi nhận sự xuất hiện của các đợt sóng nhiệt kéo dài, trong đó có những đợt chưa từng thấy.

Trên thực tế, Phần Lan đã trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay, vùng Kouvola Anjala ở miền Nam đã trải qua 27 ngày liên tiếp có mức nhiệt trên 25 độ C, tình trạng chưa từng xuất hiện kể từ năm 1961. Các đợt sóng nhiệt tương tự cũng gây ra những vụ cháy rừng đặc biệt nghiêm trọng ở vùng phía Tây của nước Mỹ và Canada, trong đó những bang như California, Utah và Tây Canada ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục. WMO dẫn nhận định của một nhóm nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới cho biết đợt sóng nhiệt kỷ lục xảy ra tại Mỹ và Canada vào cuối tháng 6 sẽ không thể xảy ra nếu không có sự tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.

Các chuyên gia đều tin rằng do biến đổi khí hậu nên tần suất xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan và nhiều hình thái khác cũng diễn biến tồi tệ hơn. Tình trạng ấm lên toàn cầu khiến bầu khí quyển trở nên nóng hơn, tích nhiều hơi nước hơn nên mưa bão sẽ nặng hạt hơn, tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt. Nghiên cứu về tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu tới đời sống nhân loại, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo lũ lụt được dự báo có thể khiến mỗi năm có trung bình 2,7 triệu người châu Phi phải đi di tản. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C, số lượng người bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Colombia, Brazil và Argentina sẽ tăng cao gấp 2-3 lần, tại Ecuador và Uruguay tăng gấp 4 lần và tại Peru sẽ tăng gấp 5 lần. Tại châu Á, dự báo số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì các tác động của biến đổi khí hậu sẽ tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2020 -2050. Khoảng 170 triệu người sẽ chịu tác động từ tình trạng khô hạn khắc nghiệt trong thế kỷ này nếu Trái Đất nóng thêm 3 độ C. Cũng với mức tăng nhiệt này, số lượng người có nguy cơ tử vong cao tại châu Âu sẽ tăng gấp 3 lần.

Theo TTXVN