* Giá vàng sáng 23/6 tăng 50 nghìn đồng/lượng
Sáng 23/6, các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giá vàng tăng nhẹ. Trong khi giá vàng thế giới phiên 22/6 đi xuống khi các nhà giao dịch chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ.
Lúc 8 giờ 45 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,45 - 57,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 20 nghìn đồng/lượng bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,55 - 57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên 22/6 giao ngay giảm 0,3% xuống 1.777,91 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 của Mỹ giảm nhẹ, đóng phiên ở mức 1.777,4 USD/ounce.
* Sáng 23/6, tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 23/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.191 VND/USD, tăng 7 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.888 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.598 VND/USD.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank không đổi so với cùng thời điểm hôm qua, ở mức 22.890 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.489 - 3.635 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 1 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
* Quỹ vaccine có hơn 6.800 tỷ đồng, tiền cam kết sẽ chuyển gần 1.100 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 22/6, Quỹ đã tiếp nhận 6.882 tỷ đồng (bao gồm ngoại tệ quy đổi). Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 336.392 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.
Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hàng ngày.
Hiện, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
* Mỹ đánh giá khả năng Trung Quốc và Nga từ bỏ đồng USD
Người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 22/6 khẳng định Mỹ không quan ngại Trung Quốc và Nga từ bỏ đồng USD sau thông tin hai nước này có ý định từ bỏ đồng USD để thiết lập một liên minh tài chính chung.
Trong tháng này, Bộ Tài chính Nga thông báo sẽ thay đổi cấu trúc của Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF) trong vòng một tháng: tỷ trọng của đồng USD sẽ giảm xuống mức 0, đồng bảng Anh còn 5%, yen Nhật giữ ở mức 5%, đồng euro tăng lên 40%, đồng NDT lên tới 30%, ngoài ra cấu trúc của quỹ còn bao gồm vàng với tỷ trọng 20%.
* 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài gồm Ashgabat (Turkmenistan), Hồng Kông (Trung Quốc), Beirut (Lebanon), Tokyo (Nhật Bản), Zurich (Thụy Sỹ), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Geneva (Thụy Sỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bern (Thụy Sỹ).
Trong danh sách năm nay, thành phố Hà Nội và Tp.HCM của Việt Nam lần lượt xếp vị trí 139 và 143, giảm lần lượt 23 và 32 bậc so với xếp hạng năm 2020.
Theo Khảo sát Chi phí sinh hoạt năm 2021 vừa công bố của Mercer, Ashgabat, thủ đô của quốc gia Trung Á Turkmenistan, là thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài.
Mercer tiến hành khảo sát 209 thành phố trên thế giới và xếp hạng mức độ đắt đỏ dựa trên các tiêu chí về chi phí sinh hoạt bao gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm, giải trí, chăm sóc cá nhân..., trong đó lấy thành phố New York (Mỹ) làm cơ sở so sánh.
PB (Tổng hợp)