Sở Khoa học và Công nghệ: Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ UBND tỉnh giao. Kết quả đạt được góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định ứng dụng vào phát triển KH&CN, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là một trong 9 chương trình, đề án mới cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Để sớm đưa Nghị quyết và thực tiễn, ngay từ đầu năm 2021, Sở KH&CN đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai, làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng 26 đề tài, dự án cho cả giai đoạn; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá tạo chuyển biến tích cực. Đối với 4 nhiệm vụ theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 5-1-2021 của UBND tỉnh, Sở đã bám sát các quy trình, quy định để tham mưu đảm bảo tiến độ xây dựng dự thảo đề án và nghị quyết, được phê duyệt triển khai 11 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, 2 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và 9 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.

Công ty Cổ phần Nắng và Gió trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Anh Tùng

Công tác quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực. Sở tiếp tục theo dõi, quản lý 26 nhiệm vụ KH&CN, gồm: 6 nhiệm vụ cấp nhà nước, 20 nhiệm vụ cấp tỉnh. So với trước đây, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hiện nay tiến độ thực hiện nhanh hơn, khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Sở KH&CN cũng đã tổ chức nghiệm thu 7 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, 1 nhiệm vụ cấp quốc gia, 6 nhiệm vụ cấp tỉnh. Các kết quả nghiệm thu đã được chuyển giao đến các đơn vị đặt hàng triển khai trong thực tiễn, giải quyết những yêu cầu bức thiết của sản xuất và đời sống. Đơn cử, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Đánh giá tác động và đề xuất giải pháp đầu tư công nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận” được đánh giá có tính ứng dụng cao. Đáng kể hơn, nhiệm vụ cấp quốc gia “Xây dựng và triển khai mô hình trồng rau an toàn bằng công nghệ thủy canh trong nhà màng quy mô lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Ninh Thuận” đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ cũng được quan tâm thực hiện, góp phần năng cao sức cạnh tranh các sản phẩm đặc thù của tỉnh trên thị trường. Sở KH&CN đã thực hiện hướng dẫn hồ sơ cho 7 lượt cá nhân, doanh nghiệp; tham mưu trình UBND tỉnh đặt hàng Bộ KH&CN 3 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thực hiện trong kế hoạch 2021-2022; phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ hoàn thiện khung nhiệm vụ đề án “Nghiên cứu xây dựng đề án triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cho tỉnh Ninh Thuận” trình UBND phê duyệt chủ trương thực hiện. Tổ chức nghiệm thu 2 dự án sở hữu trị tuệ, kết quả dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Thịt bò Ninh Thuận” xếp loại khá, dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Chuối hột mồ côi Phước Bình” xếp loại xuất sắc. Đồng thời, tiếp tục quản lý, theo dõi 2 dự án chuyển tiếp gồm: Dự án “Quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận măng tây Ninh Thuận” và dự án “Xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận OCOP Ninh Thuận” đang triển khai đúng tiến độ theo thuyết minh được duyệt.

Sản phẩm măng tây xanh của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận được thị trường tiêu thụ mạnh. Ảnh: Văn Nỷ

Không dừng lại đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN gắn với sản phẩm OCOP và đặc thù của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả. Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đang trình kế hoạch năm 2021. Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất danh mục và kinh phí thực hiện 10 dự án VietGAP năm 2021, ước tính quy mô khoảng 467 ha, kinh phí triển khai khoảng 800 triệu đồng.

Xác định nhu cầu thông tin về KH&CN phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là nhiệm vụ bức thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, Sở KH&CN phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các chương trình truyền hình KH&CN với chủ đề như: Triển khai ứng dựng chuyển giao KH&CN nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã; hoạt động quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Tỏi Ninh Thuận đã có sức lan tỏa rộng. Các mô hình sản xuất hiệu quả như: Phát triển giống nho mới NH01-152; Măng tây xanh - sản phẩm đặc thù Ninh Thuận… được đăng tải trên Báo Ninh Thuận đã giúp nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tập trung bám sát nhiệm vụ UBND tỉnh giao, 6 tháng cuối năm 2021, Sở KH&CN chú trọng đẩy mạnh chuyển giao, nhân rộng kết quả các đề tài, dự án KH&CN vào sản xuất và đời sống. Xúc tiến các thủ tục liên quan để triển khai 11 nhiệm vụ KH&CN xét mới năm 2021; kiểm tra, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN theo tiến độ. Triển khai chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh…

Với việc chủ động đề ra giải pháp, triển khai thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, tin rằng Sở KH&CN sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra trong năm 2021.