Phòng bệnh là vấn đề chính của y tế công cộng, vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và phòng tránh dịch. Tuy nhiên vắc xin cũng như thuốc, khi tiêm cũng có thể xảy ra phản ứng bất thường không mong muốn. Có thể sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, đó là các phản ứng thông thường do vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch. Các phản ứng nhẹ thường tự khỏi trong vòng 1 ngày không cần phải xử trí gì. Sau tiêm, các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện nhanh trong vòng vài phút đến vài giờ nhưng cũng có thể xuất hiện chậm sau vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần sau tiêm.
Dị ứng nhanh có thể nhẹ như là mày đay phù, ban đỏ ngứa thoáng qua... Dị ứng chậm rất đa dạng như bệnh huyết thanh, viêm mạch, rối loạn tế bào máu, tổn thương da...
Khi tiêm vắc xin, phần lớn các trường hợp, sẽ tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể phòng, chống bệnh tật mà không có tai biến nào. Một số biểu hiện trầm trọng như xuất hiện sốc phản vệ với các triệu chứng hoa mắt chóng mặt ngất xỉu, suy hô hấp, trụy tim mạch... có thể xảy ra sau tiêm nhưng với tỷ lệ rất thấp 1 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện kịp thời và điều trị tại bệnh viện.
Người có cơ địa dị ứng, người mắc các bệnh dị ứng là những người có nguy cơ dị ứng vắc xin cao hơn so với những người bình thường. Tuy nhiên theo CDC (Mỹ) và tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO) những bệnh nhân dị ứng thuốc ví dụ như dị ứng penicillin, dị ứng thuốc chống đau giảm viêm non Steroid,... đều không có chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19. Bệnh nhân mắc bệnh dị ứng: Hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa hay dị ứng thức ăn, dị ứng nọc côn trùng đều có thể tiêm được vắc xin.
B.H (Theo Báo SK&ĐS)