Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Chúng tôi hoan nghênh những tuyên bố hào phóng về việc quyên tặng vaccine và cảm ơn các nhà lãnh đạo...tuy nhiên, chúng ta cần nhiều hơn và nhanh hơn". Carl Bildt, đặc phái viên của WHO về chương trình ACT Accelerator, cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị COVID-19, cho biết 1 tỷ liều là chưa đủ. Ông Carl Bildt, người từng là Thủ tướng Thụy Điển, nhấn mạnh để thực sự chấm dứt đại dịch, mục tiêu là phải tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới vào thời điểm các nước G7 gặp lại nhau ở Đức vào năm 2022. Để đạt được điều đó, cần 11 tỷ liều vaccine. Ông cho rằng điều này có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của cả G7 và Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Aruna Kashyap, cố vấn cấp cao của tổ chức HRW về kinh doanh và nhân quyền, nói: "Việc G7 không dứt khoát ủng hộ từ bỏ tạm thời sở hữu trí tuệ toàn cầu (về vaccine) là hiện trạng chết chóc". Max Lawson, người đứng đầu chính sách bất bình đẳng của Oxfam bình luận, các nhà lãnh đạo G7 "nói rằng họ muốn tiêm chủng cho thế giới vào cuối năm tới, nhưng hành động của họ cho thấy họ quan tâm hơn đến việc bảo vệ độc quyền và bằng sáng chế của những gã khổng lồ dược phẩm".
Ngoài ra, WHO và các đối tác cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về kinh phí để vượt qua đại dịch. ACT Accelerator hiện cần hơn 16 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Dưới sự đồng chỉ đạo của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và WHO, cơ chế COVAX đến nay mới vận chuyển được 85 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đến 131 quốc gia, ít hơn nhiều so với dự đoán.
Theo TTXVN/Báo Tin tức