Ngày 9-6, tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua chứng nhận kỹ thuật số về COVID tại EU, với 546 phiếu ủng hộ, 93 phiếu chống và 51 phiếu trắng. Các văn bản này cần phải được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua, trước khi có hiệu lực vào ngày 1-7.
"Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc có thể in ra giấy để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia. Mã QR này sẽ cho phép cơ quan chức năng theo dõi dữ liệu dịch tễ liên quan COVID-19 của khách du lịch, như họ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa, có được xét nghiệm trong thời gian gần đây hay không, hoặc đã có kháng thể do từng mắc căn bệnh này. Người sở hữu chứng nhận có thể được sử dụng để đi lại trong EU mà không cần phải trải qua thời gian cách ly hoặc tiến hành thêm xét nghiệm.
Tuy nhiên, theo các quy định thì "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” không phải là một giấy thông hành, mà đây chỉ là bằng chứng về tiêm chủng hoặc sàng lọc được cấp ở các quốc gia thành viên và có thể tương tác và đồng nhất với nhau. Người nhập cảnh có chứng chỉ này sẽ không phải trải qua thời gian cách ly hay xét nghiệm khi tới một quốc gia thành viên EU khác.
Đối với những người đã bình phục, trước mắt, việc công nhận chỉ có thể có hiệu lực từ ngày thứ 11 sau khi xét nghiệm dương tính đầu tiên bằng phương pháp PCR. Sau này, tùy thuộc vào các bằng chứng khoa học, Ủy ban châu Âu sẽ bổ sung việc công nhận các xét nghiệm kháng thể hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong phạm vi của chứng chỉ "bình phục".
Ý tưởng về việc tạo ra một chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số của EU nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do an toàn của công dân ở EU trong đại dịch COVID-19, vốn đã được Ủy ban châu Âu đã đưa ra vào ngày 17-3-2021. Sau đó, ý tưởng này đã được hiện thực hóa vào ngày 20-5 khi Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên EU đạt được thỏa thuận về “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU”.
Cho đến nay, hơn 1 triệu người ở châu Âu đã nhận được “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU". Tính đến ngày 8-6, 9 quốc gia EU đã phát hành chứng nhận này, gồm: Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Đức, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Lithuania và Ba Lan. Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ EU Thierry Breton khẳng định, việc 9 quốc gia thành viên bắt đầu triển khai chứng chỉ Covid-19 sớm như vậy là một khởi đầu tốt.
Việc chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU vừa được Nghị viện châu Âu thông qua, mở đường cho việc đưa vào thực hiện từ 1-7 tới đang mang đến kỳ vọng giúp hồi sinh ngành du lịch của các nước châu Âu. Ngành du lịch châu Âu vốn ngưng trệ hơn một năm qua vì dịch bệnh đang có dấu hiệu phục hồi sau khi chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi và nhiều nước trong khu vực bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với du khách.
Thực tế, du lịch châu Âu đã trải qua một thời kỳ dài “ngủ đông” và chìm trong khủng hoảng. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), hoạt động du lịch ở Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 52% trong năm 2020, do các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19. Tại các quốc gia mà du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn như Hy Lạp, Síp và Malta, tình hình còn tồi tệ hơn với mức suy giảm lên đến 70%.
Hiện nay, do làn sóng dịch bệnh đang lắng xuống, chiến dịch tiêm chủng được mở rộng, các hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ và triển vọng thiết lập hệ thống “hộ chiếu vaccine” trên toàn khu vực, ngành du lịch châu Âu đang mở cửa trở lại.
Theo đó, hội chợ du lịch đầu tiên ở châu Âu theo hình thức trực tiếp đã được tổ chức ở Madrid của Tây Ban Nha, với sự tham gia của khoảng 50.000 chuyên gia du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Hội chợ du lịch quốc tế này diễn ra khi một loạt quốc gia thành viên EU tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại để dần đưa du lịch và các lĩnh vực đời sống xã hội trở lại trạng thái “bình thường cũ”.
Tại Thụy Điển, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại Thụy Ðiển được chia làm năm giai đoạn tùy theo diễn biến dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu tiên, được triển khai từ ngày 1-6, các nhà hàng có thể phục vụ muộn hơn, khôi phục một số hoạt động thể thao và dạy học trực tiếp cho sinh viên. Giai đoạn hai dự kiến được triển khai một tháng sau đó, cho phép nâng số người được tham gia các sự kiện riêng tư và công cộng, lượng khán giả được đến xem thi đấu thể thao, sự kiện nghệ thuật... và đến giai đoạn năm sẽ gỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế.
Romania từ ngày 1-6 cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cho phép mở cửa lại các quán rượu, câu lạc bộ giải trí, phòng chơi điện tử, cũng như tăng số người được tham dự các sự kiện thể thao và văn hóa từ 500 lên 1.000 người…
Trước đó, các thành viên khác của EU như Pháp, Áo cũng giảm biện pháp hạn chế đi lại, tạo cơ hội cho ngành du lịch hồi sinh. Trong tháng 5, người dân Pháp “vỡ òa sung sướng” khi họ lại có thể ăn uống tại các quán cafe, quán rượu và nhà hàng phục vụ ngoài trời, thăm bảo tàng, đến rạp chiếu phim và nhà hát sau 6 tháng bị buộc phải ở nhà. Chính phủ Áo cũng cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng và quán rượu sau 6 tháng đóng cửa để chống dịch bệnh.
Tại CH Czech, từ ngày 21-6 nước này sẽ mở cửa biên giới với các nước EU và Serbia sau khi nước này dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19. Theo đó, người nhập cảnh vào Czech sẽ phải trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Ngoài mở cửa biên giới, Czech cũng sẽ nới lỏng một số biện pháp phòng dịch khác như liều chỉnh số lượng người được phép tham gia các sự kiện văn hóa lớn, 1.000 người đối với các sự kiện trong nhà và 2.000 người đối với sự kiện ngoài trời. Tại trường học, các học sinh và giáo viên được phép không đeo khẩu trang…
Có thể thấy, với các tín hiệu tích cực trên, các nước châu Âu đang kỳ vọng ngành du lịch sớm giúp họ phục hồi kinh tế đang chìm trong khó khăn. Bên cạnh đó, các chuyên gia du lịch nhận định rằng, việc Ủy ban châu Âu mới đây đề xuất cho phép du khách đến từ các nước thứ ba đã được tiêm đầy đủ các liều vaccine phòng COVID-19, được phép nhập cảnh vào EU sẽ tạo “đòn bẩy” cho hoạt động du lịch tăng trưởng trở lại.
Theo TTXVN