Cần đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Hồ chứa nước Sông Than

Dự án Hồ chứa nước Sông Than nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, được xây dựng với quy mô dung tích 85,04 triệu m3 nước, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2018-2022. Mặc dù được bố trí vốn đầy đủ, kịp thời, nhưng đến thời điểm hiện nay tổng khối lượng thi công dự án chỉ đạt 40%.

Được xác định là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, Dự án Hồ chứa nước Sông Than sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu hụt nguồn nước trước tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu; phục vụ nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác và nước sinh hoạt ổn định cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu huyện Ninh Sơn và khu vực phía Nam của tỉnh. Mặc dù tổng số vốn bố trí cho dự án đến thời điểm hiện tại đạt hơn 734,8 tỷ đồng, được Quốc hội xem xét, chấp thuận cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng trong lòng hồ sang mục đích khác với diện tích 431,75 ha để thực hiện dự án, nhưng nhiều hạng mục đến nay vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch.

Dự án Hồ chứa nước Sông Than đang trong giai đoạn thi công.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đối với hạng mục đập chính dài 1.333 m (bao gồm đập đất và đập bê tông) công tác đào móng, bê tông phản áp, khoan phụt chống thấm nền và hạng mục kênh thông hồ, hệ thống điện đường dây trung áp, trạm hạ áp và đường quản lý vận hành chính đã cơ bản hoàn thành. Còn lại những hạng mục như đập phụ 1, đập phụ 2, đường tránh trong lòng hồ, bằng việc cải tạo nâng cấp một số đoạn bị ngập cục bộ Tỉnh lộ 709 hiện hữu với chiều dài 470,49m (từ lý trình Km 8+144 đến Km 8+614,49) ở đoạn 2 vẫn chưa thi công. Qua trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được biết, khó khăn lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn bộ dự án là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai quá chậm, nhiều vị trí khai thác lấy đất đắp đập trong lòng hồ chưa được bồi thường, nên người dân cản trở thi công. Để đẩy nhanh quá trình thi công, Ban Quản lý đã kiến nghị UBND huyện Ninh Sơn, xã Hòa Sơn, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và các đơn vị liên quan sớm đẩy nhanh lập thủ tục bồi thường, hỗ trợ các hộ còn lại trong lòng hồ. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt đánh giá tác động môi trường để hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, tạo điều kiện thuận lợi để thi công dự án.

Qua thực tế triển khai thực hiện, dự án có sự thay đổi về Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và nhất là tiêu chí xác định rừng theo Luật Lâm nghiệp mới, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, các khó khăn đến nay cơ bản đã được giải quyết. Về phía chủ đầu tư, cần thống nhất các phương án, xây dựng đồng bộ kế hoạch, huy động nguồn nhân lực, máy móc thực hiện đảm bảo các hạng mục trong thời gian tới để người dân sớm được hưởng lợi từ công trình.