Thị trường - Tài chính

* Giá vàng sáng 10/6 giảm 50.000 đồng/lượng

Cùng dịch chuyển trong biên độ hẹp với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng 10/6 tiếp tục giảm nhẹ, tiến về mức 57 triệu đồng.

Mở cửa phiên sáng 10/6, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,6 - 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,55 - 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên 9/6 dịch chuyển trong biên độ hẹp, khi giới đầu tư chờ đợi các số liệu lạm phát của Mỹ để định hình đường lối chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.891,05 USD/ounce vào lúc 0 giờ 44 phút ngày 10/6 theo giờ Việt Nam. Ngược lại, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,1% lên 1.895,50 USD/ounce.

* Sáng 10/6, tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 10/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.104 VND/USD, giảm 3 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.797 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.410 VND/USD.

Lúc 8 giờ 45 phút, giá USD tại Vietcombank không đổi so với cùng thời điểm hôm qua, ở mức 22.830 - 23.060 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.522 - 3.670 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 2 đồng ở chiều mua vào và 3 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.

Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 22.860 - 23.060 VND/USD (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với cùng thời điểm hôm qua.

Giá đồng NDT tại BIDV được điều chỉnh ở mức 3.543 - 3.647 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 7 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.

 

* Nga là nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam

Trong năm 2020, Nga đã xuất khẩu 63.500 tấn thịt lợn và nội tạng sang Việt Nam, tương đương 25% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam, thu về 130,5 triệu USD và trở thành nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất của Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt cao ở trong nước, Việt Nam không chỉ nhập khẩu thịt lợn mà nhập khẩu cả các loại thịt khác. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi lây lan ở châu Á đã khiến số lượng gia súc giảm 11,5% và sản lượng thịt lợn giảm hơn 12%. Tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 tăng 44%, lên tới gần 270.000 tấn.

* Thịt bò nhập khẩu vẫn đang tăng

Nhu cầu đối với thịt bò ở Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 5-6%/năm. Hiện mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt đạt 3,15 kg thịt xẻ/người/năm và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới...

Do sản lượng thịt bò chăn nuôi trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên lượng bò thịt và thịt bò nhập khẩu hàng năm vẫn liên tục tăng nhanh. Năm 2020, số lượng bò sống được nhập khẩu về Việt Nam gần 550 nghìn con, tương đương 194,2 nghìn tấn thịt, tăng 13,6% so với năm 2019; lượng thịt bò đã qua giết mổ nhập về 106,5 nghìn tấn, tăng 30,4% so với năm 2019. Úc tiếp tục là nước giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam chiếm hơn 42% thị phần, Mỹ chiếm 30,7%.