* Giá vàng châu Á chiều 4/6 giảm xuống mức thấp nhất của hơn hai tuần qua
Giá vàng châu Á trong phiên giao dịch chiều ngày 4/6 giảm xuống mức thấp nhất của hơn hai tuần qua do ảnh hưởng từ đồng USD mạnh, trong khi giới đầu tư đang chờ đợi số liệu về việc làm trong các lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng Năm.
Vào lúc 13 giờ 42 phút ngày 4/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.868,89 USD/ounce, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/5 là 1.855,59 USD/ounce trong cùng phiên giao dịch. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ đứng ở mức 1.872,60 USD/ounce.
Tại thị trường Hà Nội, vào lúc 15 giờ 38 phút chiều 4/6, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,60 - 57,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
* Xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng trước thách thức của dịch COVID-19
Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5/2021 bị tác động bởi làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa tháng 5 vẫn tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2021 ước đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,96 tỷ USD, giảm 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,04 tỷ USD, giảm 2,4%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 35,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 43%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.
* TP Hồ Chí Minh đạt 2,6 tỷ USD kiều hối trong 5 tháng đầu năm
Từ đầu năm đến 31/5/2021, kiều hối chảy về TP Hồ Chí Minh đạt 2,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 5, lượng kiều hối chảy về TP Hồ Chí Minh đạt 600 triệu USD.
Trước đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 ước tính lên đến 17,2 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018- 2019 đạt lần lượt là 16 tỷ USD và 16,7 tỷ USD.
WB nhận định rằng, kiều hối sẽ phục hồi vào năm 2021. “Ước tính, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD trong năm 2021”, WB dự báo.
* Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19
Ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Quỹ được thành lập với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân.
Dự kiến, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Theo, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến chiều 3/6, Quỹ đang có hơn 103 tỷ đồng do người dân, doanh nghiệp chuyển trực tiếp và hơn 2.000 tỷ đồng các doanh nghiệp lớn đã cam kết ủng hộ.
Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19 sẽ được tổ chức vào lúc 20 giờ 10 phút thứ bảy 5/6/2021, tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Sự kiện này được tổ chức nhằm tiếp tục kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 với tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc và với tinh thần đoàn kết quốc tế, chung tay đẩy lùi đại dịch ở mỗi quốc gia và toàn cầu.
Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước, tìm mọi cách, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của các tổ chức và cá nhân trong nước cũng như quốc tế để có nguồn kinh phí tiêm vaccine cho nhân dân. Đây cũng là dịp để thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tình cảm, sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế; nâng niu, trân trọng, sử dụng đúng mục đích và công khai, minh bạch từng đồng đóng góp của nhân dân và bạn bè quốc tế.
Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng COVID-19, trong trường hợp cần thiết sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Quỹ được hoạt động công khai, minh bạch dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và sẽ công khai để nhân dân biết, giám sát.
Trước đó, ngày 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã ký ban hành văn bản về việc miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Doanh nghiệp và người dân có thể chuyển khoản vào tài khoản "Quỹ vaccine phòng COVID-19" mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, qua ba số tài khoản: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR). Hoặc tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước: 37610909886691999 (VND), 376109098869.91999 (USD), 37610909878691999 (EUR). Ngoài ra, ba số tài khoản tiếp nhận tiền từ nước ngoài là: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).
PB(Tổng hợp)