Khai báo y tế điện tử thời gian qua được thực hiện trên trang https://tokhaiyte.vn của Bộ Y tế hoặc thông qua cài đặt và sử dụng một trong các ứng dụng: Bluezone, Tờ khai y tế (Vietnam Health Declaration), NCOVI. Các ứng dụng này cũng được sử dụng để quét mã QR Code ghi nhận người vào, ra các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, giai đoạn trước vẫn có tình trạng lưu trữ phân tán dữ liệu người dùng khai báo trên các ứng dụng.
Khai báo bằng cách quét QR Code tại một bệnh viện của Hà Nội.
Thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, thời gian vừa qua, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã họp với các cơ quan Bộ Y tế và thống nhất dữ liệu khai báo y tế, dữ liệu kiểm soát vào, ra đều được cập nhật về một nơi để phục vụ nghiên cứu, phân tích phòng chống dịch. Mô hình đồng bộ dữ liệu tổng thể giữa các ứng dụng, cấu trúc gói tin và chuẩn kết nối cũng đã được các đơn vị thiết kế xong.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, chiến lược xử lý dữ liệu trong phòng dịch COVID-19 giai đoạn tới sẽ chuyển hướng từ hệ thống dữ liệu phân tán sang xử lý dữ liệu tập trung. Việc này sẽ giúp rà soát, xử lý dữ liệu nhanh hơn, chính xác hơn.
Việc khai báo y tế và kiểm soát vào, ra các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, cơ sở lưu trú, nhà hàng... bằng mã QR Code là yêu cầu bắt buộc, giúp cho cơ quan chức năng có dữ liệu giúp công tác truy vết, khoanh vùng lây lan dịch được nhanh, hiệu quả hơn.
Do đó, Bộ TT&TT đã đề xuất chủ trương người lao động trong các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp bắt buộc sử dụng ứng dụng Bluezone thực hiện khai báo y tế. Người dân sử dụng smartphone cài và bật ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần khi đến những nơi công cộng, nơi tụ tập đông người. Các địa điểm công cộng, các công sở, các cơ quan thực hiện kiểm soát người ra, vào bằng công nghệ quét mã QR Code.
Việc sử dụng Bluezone và bật Bluetooth khi đến những nơi công cộng, khi tiếp xúc đông người giúp cho chúng ta bảo vệ bản thân và cộng đồng, đồng thời giúp cho việc khoanh vùng, dập dịch, truy vết được nhanh. Khi có ca nhiễm mới, chúng ta sẽ chỉ phải cách ly những người có nguy cơ cao, thay vì cách ly nhiều người. Phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh, các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.
Liên quan đến việc khai báo y tế điện tử, ngày 25/5, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với các đối tượng được mở rộng hơn.
Cụ thể, các đối tượng phải khai báo y tế gồm tất cả những người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; những người đang trong ổ dịch; những người cách ly tập trung; những người đi qua vùng dịch ra, hoặc đi từ vùng dịch trở về; những công nhân làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh có dịch và các tỉnh lân cận; những người đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; những người đi tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe buýt tuyến đường dài.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được đề nghị phát động phong trào, kêu gọi mọi người hưởng ứng, tự nguyện khai báo y tế toàn dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp thuộc diện bắt buộc phải khai báo y tế nhưng cố tình vi phạm theo quy định tại Nghị định 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo TTXVN/Báo Tin tức