Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh có 15 dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với quy mô diện tích khoảng 250 ha. Việc thực hiện chương trình nông nghiệp CNC có hiệu quả đã tạo đột phá trong nâng cao chất lượng hàng nông sản, tạo giá trị gia tăng. Hầu hết diện tích đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng CNC đều cho giá trị sản xuất đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Có được kết quả, đó là nhờ các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp theo nội dung của Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 17-7-2017 của HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2016-2021 về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020. Sự linh hoạt trong thực hiện Nghị quyết 20 phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện. Giai đoạn 2016-2021 các địa phương đã chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế sản xuất các sản phẩm đặc thù, khẳng định được lợi thế cạnh tranh.
Công ty Cổ phẩn Thực phẩm Cánh Đồng Việt đầu tư dây chuyền công nghệ để chế biến
sản phẩm nha đam. Ảnh: Văn Nỷ
Huyện miền núi Bác Ái trước đây hoạt động sản xuất nông nghiệp lạc hậu, nhưng kể từ khi triển khai dự án “Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh”, dự án “Phát triển dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech tại xã Phước Tiến đã làm thay đổi căn bản quy mô sản xuất từ nhỏ, lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung. Nông dân Bác Ái hiện nay đã đưa nhiều loại giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thay thế dần các loại cây trồng truyền thống. Bà con liên kết với DN đầu tư hệ thống tưới phun mưa, bón phân tự động qua Smarphone để trồng bưởi da xanh, sầu riêng, chuối già Nam Mỹ, dưa lưới trong nhà màng. Những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp như Ninh Phước, Ninh Hải… hoạt động sản xuất nông nghiệp CNC phát triển mạnh hơn.
Khoa học - công nghệ không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng vào sản xuất mà còn được ứng dụng vào chế biến sản phẩm nông nghiệp tạo ra chuỗi giá trị gia tăng. Một số DN trên địa bàn tỉnh đã mạnh giạn đầu tư đổi mới đồng bộ thiết bị, công nghệ tạo sản phẩm chất lượng cao, như: Dây chuyền sản xuất đồng bộ Carageenan của Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải; dân chuyền sản xuất các sản phẩm từ cây nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt; Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận cũng thành công trong chế biến trà măng tây, ứng dụng công nghệ sinh học bảo quản măng tây tươi đến 20 ngày.
Nêu ra một số thành tựu đạt được để thấy, nông nghiệp CNC luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo tập trung thực hiện, tạo chuyển biến tích cực. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận một thực tế là, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ mới bước đầu, quy mô còn nhỏ lẻ. Hiện đa phần các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án là các DN nhỏ và vừa, chưa có DN lớn đầu tư làm hạt nhân nhằm gắn kết DN với nông dân để chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp và đưa các sản phẩm ra chuỗi phân phối trên cả nước và xuất khẩu. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh ta chỉ mới có thế mạnh trong ứng dụng công nghệ đối với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi đặc thù như: tôm, dê, cừu, nho, măng tây xanh; đối với các lĩnh vực như bảo quản, chế biến còn yếu. Dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp hầu như chưa có, nguồn giống cây trồng, vật nuôi, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp phần lớn nhập từ nước ngoài.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định: Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là nhiệm vụ quan trọng trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Để đạt được mục tiêu, giải pháp hữu hiệu nhất là tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để các DN, nhất là DN có quy mô lớn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.
Anh Tùng