Cát nhân tạo dần thay thế cát tự nhiên trong xây dựng công trình

Nhu cầu về vật liệu cát xây dựng ngày càng tăng, trong khi đó lượng cát tự nhiên tại các sông, suối đang ngày càng giảm, khiến cho việc khai thác cát trái phép trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường và gây sạt lở bờ sông. Trước xu thế phát triển, nhất là đáp ứng nhu cầu các công trình lớn đang và chuẩn bị khởi công trên địa bàn tỉnh, việc đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo đang là một hướng đi đúng, mang tính ổn định, phát triển lâu dài.

Nắm bắt nhu cầu cát dùng cho xây dựng đang tăng nhanh, Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận là đơn vị tiên phong đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để lắp đặt 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo tại khu vực mỏ đá Hòn Gài (Ninh Sơn). Qua thời gian vận hành sản xuất, hiệu quả mang lại rất khả quan. Nhờ nguồn vật liệu tận thu từ lớp đất tầng phủ mỏ đá, đất sỏi được đưa vào máy nghiền, sàng phân loại và rửa sạch tạp chất để cho ra thành phẩm cát sạch. Nhờ hệ thống sàng có thể điều chỉnh được kích thước hạt, nên cát nhân tạo có độ đồng đều cao, đảm bảo chất lượng ổn định.

Chứng kiến hoạt động sản xuất tại nhà máy chúng tôi nhận thấy, quy trình sản xuất cát được vận hành theo hệ thống khép kín nên hạn chế tối đa lượng nước và chất thải ra môi trường. Đất bùn sét thải ra trong quá trình rửa cát được thu gom để kết hợp với nguyên liệu khác sử dụng dùng làm gạch xây dựng; lượng nước rửa được lắng lại tại hồ chứa tiếp tục được dùng để bơm rửa cát, nhằm tiết kiệm nguồn nước một cách hợp lý.

Ông Lê Minh Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận cho biết: Trước đây, trong quá trình khai thác đá, một lượng đất lớn ở tầng phủ mỏ đá phải bỏ đi, trong khi đó Công ty phải đi mua cát tự nhiên để xây dựng công trình. Qua tìm hiểu biết được, hiện trong nước đã sản xuất được dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, nên đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao chất lượng, chủ động cung cấp sản phẩm cát xây dựng cho thị trường. Với 2 dây chuyền, trung bình mỗi ngày nhà máy sản xuất được khoảng 300 m3 cát; tổng sản lượng cát cung cấp cho thị trường ước khoảng 100.000 m3 cát/năm. Tuy cát nhân tạo hiện có giá bán 240.000 đồng/m3, cao hơn thị trường cát tự nhiên 20.000-40.000 đồng/m3, nhưng với chất lượng tốt nên sản phẩm vẫn được tin dùng; có thời điểm sản xuất không kịp để cung cấp cho thị trường và yêu cầu của các đơn vị xây dựng.

 

Dây chuyển sản xuất cát nhân tạo của Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận tại mỏ đá Hòn Gài.

ng Lê Minh Ngọc, Giám đốc Nhà máy Bê tông Ninh Thuận chia sẻ, nhận thấy mặt ưu việt của cát nhân tạo, nhà máy đã dùng cát của Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận sản xuất để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên trong sản xuất bê tông. Cát nhân tạo sạch và mịn, thành phần hạt cát đồng đều nên bê tông có độ kết dính cao. Việc dùng cát nhân tạo đã giúp nhà máy giảm khoảng 5% chi phí sản xuất; đặc biệt là chất lượng bê tông rất đảm bảo, được thị trường rất tin dùng và đánh giá cao.

Theo Sở Xây dựng, tổng trữ lượng tài nguyên cát phục vụ cho ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh được dự báo khoảng hơn 12 triệu m3. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa diễn ra như hiện nay, nhất là các công trình lớn, đường cao tốc Bắc - Nam đang chuẩn bị khởi công, nhu cầu cát phục vụ xây dựng tăng nhanh, khả năng thiếu hụt nguồn cát tự nhiên là rất lớn. Do đó đòi hỏi việc tạo ra nguồn cát nhân tạo để bổ sung, thay thế cát tự nhiên là rất cấp thiết cần được tính đến.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay thực trạng nguồn tài nguyên cát cũng đang dần bị cạn kiệt do khai thác quá mức, khai thác không hợp lý. Để có nguồn nguyên liệu dần thay thế, giảm áp lực khai thác và sử dụng cát tự nhiên, UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cát nhân tạo và ưu tiên trong các công trình sử dụng vốn ngân sách. UBND tỉnh cũng đã trình Bộ Xây dựng thống nhất định mức về sử dụng cát nhân tạo trong hoạt động xây dựng. Việc sản xuất cát nhân tạo phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ cho ngành Xây dựng, giúp hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép, gây sạt lở, ảnh hưởng đời sống sản xuất của người dân ven sông.

Được biết, để tăng sản lượng sản phẩm cát nhân tạo cung ứng cho thị trường, Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận đang có kế hoạch đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo để nâng công suất lên 200.000 m3/năm. Một số đơn vị như: Công ty TNHH Thương mại - Khoáng sản Hải Sơn và Công ty TNHH Sớm Phú Quý cũng đang xin được cấp phép sản xuất cát nhân tạo, mở ra triển vọng và hướng đi mới trong sản xuất cát phục vụ hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.