Tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam thực hiện khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch tại 1/15 vị trí thuộc vùng biển xã Phước Dinh (Thuận Nam) với công suất 502 MW. Những động thái tích cực này cho thấy, tập trung đầu tư kinh tế biển trở thành động lực phát triển là chủ trương lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Cảng tổng hợp Cà Ná đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Anh Tuấn
Quyết sách trên đưa ra dựa vào kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhiệm kỳ 2015-2020 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Qua một thời gian thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW, đến nay dải ven biển đã hình thành chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế đã khẳng định chiến lược phát triển dựa vào không gian biển đang là lợi thế so sánh của tỉnh ta. Xu thế “tiến ra biển” đang tiếp tục được tỉnh quan tâm bằng nhiều giải pháp đồng bộ và triển khai một cách tích cực, hiệu quả trong khai thác tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực này. Kinh tế biển thực sự trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong giai đoạn 2021-2025, với tầm nhìn chiến lược là kết nối chuỗi đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, cảng biển và điện gió biển.
Báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2021 dự kiến có 19 dự án du lịch được khởi công xây dựng, trong đó có những dự án cao cấp như: Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy; Dự án Khu du lịch khách sạn và giải trí phức hợp Khánh Hải; Dự án Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark... hứa hẹn sẽ tạo ra chuỗi giá trị mới cho ngành Du lịch. Cùng với đó, tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu thực hiện các thủ tục đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 286/QĐ-UBND ngày 17-2-2021. Trong 6 dự án đô thị đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu, có 3 đô thị ven biển (Đô thị Đầm Nại, Đô thị mới Khánh Hải, Khu đô thị đầm Cà Ná) sẽ tích tụ được cư dân ven biển, thu hút nguồn lực lao động chất cao phục vụ cho phát triển.
Với bờ biển dài 105 km, tỉnh ta có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, điều kiện khí hậu đặc thù về nắng và gió; là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 27 đi Tây Nguyên. Để khai thác tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển, các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế biển. Từ đó, có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh cho phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản, năng lượng tái tạo đã được khai thác. Đến nhiệm kỳ 2020-2025 với tư duy phát triển mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định kinh tế biển là động lực, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển năng lượng sạch, du lịch, thì quan tâm tới phát triển cảng biển, công nghiệp ven biển nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc xây dựng và phát triển mô hình cảng biển tổng hợp là một trong những hướng đi đúng, là ưu tiên hàng đầu của các địa phương có biển mà tỉnh ta cũng không là ngoại lệ. Cảng biển nước sâu Cà Ná (Thuận Nam) đang được xúc tiến xây dựng với quy mô tiếp nhận tàu đến 300.000 DWT. Trước mắt, triển khai giai đoạn I với quy mô gồm 2 bến tàu (một bến tàu công suất 70.000-100.000 DWT và một bến tàu 20.000 DWT), khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa của tỉnh và khu vực Nam Tây Nguyên, góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế biển.
Anh Tùng