Thị trường và Tài chính

* Giá vàng thế giới giảm phiên 27/5 do sự phục hồi của kinh tế Mỹ

Giá vàng thế giới vẫn được giao dịch sát ngưỡng 1.900 USD/ounce trong phiên 27/5, giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ giảm trong khi số liệu kinh tế Mỹ lạc quan phản ánh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Vào lúc 0 giờ 53 phút sáng ngày 28/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay ít thay đổi và đứng ở mức 1.896,76 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn Mỹ giảm 0,3% xuống 1.898,5 USD/ounce.

Cuối ngày 27/5, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,14 - 56,56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 28/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.135 VND/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.830 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.430 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, giá đồng USD giảm mạnh, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp tục tăng.

* Giá gạo đồng loạt tăng cao

Nông dân Thuận Nam vừa thu hoạch lúa đạt năng suất cao. Ảnh: Văn Nỷ

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực trong tháng 4/2021 tiếp tục tăng 1,7% so với tháng 3/2021, lên mức 120,9 điểm, cao hơn 30,8% so với năm 2020. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2014. Nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng USD suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.

Tại Việt Nam, dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, với điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới, sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia. Nhu cầu nhập khẩu gạo theo đó sẽ tăng trong năm 2021; trong đó, thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng của thị trường này.

Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 1,9 triệu tấn, với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

* ADB cấp khoản tín dụng 116 triệu USD cho ba dự án điện gió ở Việt Nam

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký kết một khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD với Công ty cổ phần Điện gió Liên Lập (Liên Lập), Công ty cổ phần Điện gió Phong Huy (Phong Huy) và Công ty cổ phần Điện gió Phong Nguyên (Phong Nguyên) để xây dựng và vận hành ba trang trại điện gió công suất 48MW, tổng công suất 144MW, tại tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Dự án này sẽ làm tăng công suất điện gió của Việt Nam thêm 30%, giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang gia tăng nhanh chóng.

Khoản vay này là một phần của gói tài trợ cho khoản vay xanh cho dự án trị giá 173 triệu USD do ADB thu xếp và hợp vốn với vai trò là bên chủ trì sắp xếp khoản vay và người bảo lãnh chính.

Đây cũng là khoản tài trợ đầu tiên của ADB cho một dự án điện gió ở Việt Nam, được chứng nhận bởi Sáng kiến trái phiếu khí hậu, đơn vị quản lý Chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận Trái phiếu khí hậu quốc tế. Gói tài trợ gồm 35 triệu USD do ADB cấp vốn trực tiếp và 81 triệu USD khoản vay hợp vốn loại B.