Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đánh giá của UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng đầu năm 2021 tăng 52,5% so với cùng kỳ là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được tập trung chỉ đạo và giải quyết kịp thời.

Còn nhiều vướng mắc

Năm 2021, tổng vốn ngân sách Nhà nước giao cho tỉnh ta là 1.163,040 tỷ đồng, trong đó đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương 629,980 tỷ đồng; ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình là 533.060 triệu đồng. Đến hết tháng 4, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trình toàn tỉnh là 249,698 tỷ đồng, đạt 17,88%; trong đó, đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giải ngân 130,109 tỷ đồng, đạt 24,3%; vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình giải ngân là 66,537 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch. Đối với vốn năm 2020 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2021 là 81 tỷ đồng, đạt 14,6%.

Dự án Hồ chứa nước Sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: NAT

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân vốn của tỉnh chậm so với kế hoạch xuất phát cả từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, ở từng nguồn vốn đều gặp vướng mắc nhất định. Cụ thể, với nguồn vốn trong nước năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến nay chưa được Trung ương giao nên một số dự án khởi công mới chưa được giao vốn thực hiện. Do đó, số vốn kế hoạch năm 2021 Trung ương giao ngay từ đầu năm đến nay chưa phân bổ hết, làm ảnh hưởng công tác giải ngân. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án quy mô lớn còn vướng mắc nhưng chậm được giải quyết làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân nguồn vốn như Dự án Hồ chứa nước Sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) đến nay giải ngân được 13,223 tỷ đồng, đạt 19,4%. Dự án Đường đôi vào 2 đầu thành phố (đoạn phía Nam) kế hoạch năm 2021 bố trí 66 tỷ đồng chưa giải ngân vì công tác đền bù chậm do cơ chế chính sách bồi thường thay đổi phải tính toán và áp giá lại làm chậm tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, chủ đầu tư chưa chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án, trong đó Dự án Hồ chứa nước Sông Than sau khi Quốc hội cho phép chuyển đổi đất rừng, phải mất thời gian hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt đánh giá tác động môi trường, nên hiện nay UBND tỉnh chưa phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất rừng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đối với vốn thanh toán công trình hoàn thành, đến nay giải ngân 10,313 tỷ đồng, đạt 52%. Một số dự án ngay từ đầu năm đã giao kế hoạch vốn thanh toán công trình hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiệm thu khối lượng để giải ngân như Dự án Nhà Cộng đồng phòng tránh thiên tai Trường Mẫu giáo Công Hải kế hoạch giao 1,5 tỷ đồng, Dự án Nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết bị truyền hình thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất kế hoạch giao 600 triệu đồng đến nay chưa giải ngân.

Khơi thông điểm “nghẽn”

Để tháo gỡ khó khăn và đảm bảo hoàn thành tiến độ giải ngân các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo đúng kế hoạch, ngày 14-5 đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung khắc phục các tồn tại hạn chế, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn, trong đó, tập trung vào 4 công trình trọng điểm: Dự án Hồ chứa nước Sông Than; Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; Dự án Đường đôi vào hai đầu thành phố (đoạn phía Nam); Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu.

Kênh Chà Là - nằm trong dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh.

Được biết, năm 2021 là năm đầu thực hiện giải ngân 1 năm theo quy định Luật Đầu tư công. Do đó, tỉnh ta đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2021 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo như kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đưa ra các giải pháp và đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải xác định rõ các tồn tại từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư... là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm “nghẽn”, khắc phục những điểm yếu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, định kỳ hằng tháng, quý báo cáo UBND tỉnh cụ thể kết quả giải ngân từng dự án thuộc nguồn vốn kế hoạch năm 2021. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Bên cạnh đó, cần xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.