Những năm gần đây, mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị đang có xu hướng phát triển rõ nét, ngày càng có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân ở các địa phương thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất chăn nuôi khép kín, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm từ chăn nuôi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh hướng tới mục tiêu phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ngành Nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi phù hợp với quy hoạch tổng thể nông nghiệp. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nông hộ mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô phát triển tổng đàn gắn với trồng cỏ, đáp ứng nhu cầu thức ăn cho gia súc trong điều kiện nắng hạn; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất. Cùng với đó, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút các tổ chức doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ chăn nuôi theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Mô hình liên kết nuôi dê, cừu thịt của doanh nghiệp Triệu Tín và nông dân ở các địa phương được xem là bước đi mới trong hoạt động liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Những năm qua, với hình thức liên kết theo kiểu người dân có chuồng trại, công chăm sóc, đất trồng cỏ, doanh nghiệp cung ứng con giống cho nông dân để phát triển sản xuất, tạo thành phong trào nuôi dê, cừu vỗ béo lan tỏa rộng khắp. Ngoài ra, doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ ưu đãi một phần kinh phí để xây dựng lò giết mổ và kho cấp đông bảo quản sản phẩm. Nhờ đó, làm tăng tính liên kết chặt chẽ, không chỉ tăng thêm thu nhập cho mỗi thành viên trong chuỗi mà còn thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.
Mô hình liên kết chăn nuôi cừu theo chuỗi giá trị, giúp nông dân xã Bắc Sơn (Thuận Bắc)
có thu nhập ổn định.
Ngoài doanh nghiệp Triệu Tín, hiện nay mô hình liên kết chăn nuôi chuỗi giá trị dê, cừu được nhân rộng và đem lại thành công nhất định. Điển hình như chủ cơ sở giết mổ dê, cừu Bích Huyền, ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm); cơ sở Lê Thị Hoa, ở xã Phước Vinh (Ninh Phước) liên kết với hàng trăm hộ nuôi dê, cừu tại các địa phương cung cấp giống nuôi và tổ chức thu mua sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với chăn nuôi heo, hiện nay, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận và Công ty TNHH CJ ViNa Agri liên kết với nông dân ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái nuôi trên 40.000 con. Ưu điểm của hình thức này là Công ty sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí thức ăn, thuốc tiêm phòng; hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật của hộ nuôi và hưởng lợi nhuận từ công chăm sóc đến khi xuất chuồng, nên hạn chế khả năng thua lỗ, tỷ lệ thành công cao, quy trình dịch bệnh được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia cầm, hầu hết đều xuất phát từ những dự án đầu tư của doanh nghiệp và các cơ sở tư nhân. Một trong những mô hình mang lại hiệu quả hiện nay phải kể đến việc liên kết chăn nuôi gà thịt của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận với nông dân huyện Ninh Sơn, Bác Ái với tổng đàn 212 ngàn con; mô hình nuôi gà đẻ thương phẩm của Công ty Emivest ở xã Phước Vinh (Ninh Phước), quy mô 120 ngàn con và mô hình liên kết chăn nuôi vịt thịt chạy đồng giữa cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị Thảo và 80 hộ ở xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Theo đó, mỗi hộ sẽ được cơ sở cung cấp 1 ngàn con giống/lứa và tổ chức thu mua theo giá thị trường.
Chương trình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị đã đem lại kết quả nhất định; tình trạng chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ dần chuyển sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn; trung bình mỗi ngày sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất bán ra thị trường khoảng 22 tấn thịt; giai đoạn 2016-2020 ngành chăn nuôi tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,2%.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhìn nhận: Qua hình thức liên kết, các doanh nghiệp chăn nuôi đã đảm nhiệm tốt vai trò đầu mối trong tổ chức sản xuất, điều tiết hợp lý nhu cầu tiêu thụ của thị trường, giảm bớt được khâu trung gian đẩy giá thành chăn nuôi tăng lên. Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì hoạt động liên kết đối với các tổ, nhóm đã có hiệu quả trước đây; đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi.
Hồng Lâm