Lường trước khả năng giá vật tư nông nghiệp có biến động, ngay sau khi kết thúc vụ đông - xuân 2021-2022, Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá các mô hình sản xuất có hiệu quả để tiếp tục triển khai nhân rộng trong vụ hè - thu và vụ mùa 2021. Mô hình cánh đồng lớn giảm được 6-10% chi phí đầu tư nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào các khâu trong quá trình sản xuất, nhất là bón phân theo phương pháp “4 đúng”. Sự chủ động ứng phó với tình hình giá phân bón tăng cao, giúp nông dân an tâm tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trong vụ hè - thu, với 31 cánh đồng, tổng diện tích hơn 4.029 ha.
Nông dân Ninh Phước chăm sóc lúa. Ảnh: Duy Anh
Cùng với đó, ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã triển khai ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đem lại hiệu quả cao nhờ không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, nên giảm được 20% chi phí đầu tư, sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng ở vụ hè – thu với quy mô lớn, áp dụng đồng bộ trên tất cả các loại cây trồng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, đưa vào sản xuất các loại cây trồng sử dụng ít nước, có khả năng chống chịu sâu bệnh để giảm chi phí thuốc trừ sâu cũng được chú trọng thực hiện. Theo đó, vụ hè - thu 2021 toàn tỉnh chuyển 286 ha đất lúa kém hiệu quả và đất khác sang trồng cây ngắn ngày và cây dài ngày. Trong đó, huyện Thuận Nam 90 ha, Ninh Phước 20 ha, Thuận Bắc 13 ha, Ninh Hải 13 ha, Ninh Sơn 50 ha, Bác Ái 100 ha. Các vùng chuyển đổi thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng nông sản.
Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, thời gia qua các địa phương đã đưa nhiều loại cây ăn quả vào sản xuất, với tổng diện tích toàn tỉnh hơn 68.600 ha. Riêng huyện Bác Ái có hơn 280 ha cây ăn quả các loại, tập trung ở các xã: Phước Bình, Phước Thành, Phước Tân, Phước Tiến. Trước khó khăn, đơn vị cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, tận dụng các loại phân xanh, phân chuồng bón cho cây trồng; hỗ trợ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kỹ thuật cao.
Trong phát triển vườn cây ăn trái, bón phân là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng và kéo dài thời gian cho trái của cây. Trước đây nông dân chỉ chú trọng bón phân hoá học cho cây, hiện nay nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, bà con biết cách bón phân hữu cơ kết hợp, khắc phục việc dư thừa phân bón. Hình thức bón phân theo cảm tính không tuân theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng dẫn đến mất cân đối giữa các thành phần phân bón, làm ảnh đến năng suất, chất lượng trái và sự phát triển của cây cũng đã được khắc phục.
Sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đang ngày càng phát triển song hành cả trồng trọt và chăn nuôi, tận dụng các loại phụ phẩm từ nông nghiệp làm nguồn phân hữu cơ phục vụ trở lại cho sản xuất nhằm giảm thiểu sử dụng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật đang là xu thế phổ biến. Do vậy, dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, tin tưởng nông dân vẫn linh hoạt tổ chức sản xuất có hiệu quả.
Anh Tùng