Mặc dù thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống phá rừng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp và lực lượng chức năng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại vùng giáp ranh các tỉnh lân cận.
Toàn tỉnh hiện có 153.888 ha diện tích rừng tự nhiên; trong đó, diện tích rừng tự nhiên giáp ranh khu vực các tỉnh lân cận là rất lớn. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, rừng giáp ranh là khu vực rừng có đặc điểm rất phức tạp, núi cao, độ dốc lớn, hiểm trở, lại nằm xa khu dân cư nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết quy chế phối hợp BVR với các tỉnh có rừng giáp ranh với tỉnh ta là Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Qua đó, đã giúp lực lượng BVR các tỉnh phối hợp với nhau trong việc tuần tra, truy quét việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại vùng rừng giáp ranh. Ngoài ra, kiểm lâm và chính quyền các địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững cho hàng nghìn lượt người và các hộ dân sống gần rừng và ven rừng tại vùng giáp ranh ký cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực rừng giáp ranh Ninh Sơn (Ninh Thuận) - Đức Trọng (Lâm Đồng).
Từ sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ BVR, nên trong thời gian qua, tình trạng phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực giáp ranh có giảm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn phức tạp. Hằng năm, vẫn còn xảy ra nhiều vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển và phá rừng tại các khu vực này. Điển hình như 3 vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh giữa xã Ma Nới (Ninh Sơn) và thôn Ma Bó, xã Đặc Quyn (Đức Trọng, Lâm Đồng) các đối tượng đã vào khai thác rừng trái phép tại Tiểu khu 108 với số lượng 61,553 m3 gỗ bạch tùng, lim, dổi.. bị lực lượng chức năng phát hiện.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Liên quan đến vụ hàng chục cây bạch tùng, lim, dổi nhiều năm tuổi bị đốn hạ tại tiểu khu 108 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn quản lý, hiện tại các cơ quan chức năng đang xác minh điều tra, bước đầu nhận định các đối tượng là người trong tỉnh lợi dụng khu vực rừng giáp ranh để phá rừng trái phép và vận chuyển về địa bàn huyện Đức Trọng tiêu thụ lâm sản. Sau khi kiểm tra thực trạng rừng bị xâm hại, đoàn công tác đã tổ chức họp bàn các giải pháp tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với huyện Đức Trọng trong việc thực hiện quy chế phối hợp để BVR giáp ranh trong thời gian tới. Hiện ngành cũng đã lập 1 chốt BVR tại khu vực rừng giáp ranh xã Ma Nới và đang lên phương án lập thêm 1 chốt BVR trên đất thuộc lâm phần của tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, giúp các lực lượng BVR của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn BVR tốt hơn.
Theo báo cáo của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 130 vụ vi phạm quy định QLBVR; trong đó, có 32 vụ phá rừng trái phép, khai thác rừng 15 vụ, vận chuyển buôn bán lâm sản 58 vụ. Cơ quan chức năng xử lý 67 vụ vi phạm, tịch thu 14,832 m3 gỗ các loại, 52 chiếc xe máy, thu nộp ngân sách nhà nước trên 287 triệu đồng. Để công tác QLBVR giáp ranh đạt hiệu quả hơn, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp với các tỉnh lân cận, các ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai giải pháp quyết liệt về BVR nhằm “hạ nhiệt” vấn nạn phá rừng tại các vùng giáp ranh. Đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các lực lượng, địa phương và các tổ cộng đồng trong công tác QLBVR; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên diện rộng tại những khu vực rừng trọng điểm, rừng giáp ranh; các chủ rừng, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ người vào rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR, hỗ trợ các hộ sống ven rừng triển khai các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Tiến Mạnh