Còn gọi là sâm nam, đầu vù, rễ kế
Mô tả cây
Cây thuộc thảo, cao 1,5-2m. Thân có 6 cạnh trên cạnh có một hàng gai thưa, càng lên trên càng mau dần, gai quặp trở xuống. Lá mọc đối, không có cuống, bẹ ôm lấy cành hoặc thân. Lá non có răng cưa dài, phiến lá nhỏ, thuôn dài, đầu nhọn. Gân lá cách, trên đường gân của mặt dưới có một hàng gai nhỏ cứng, càng lên đầu lá, càng mềm dần. Lá già có phiến lá xẻ sâu, răng cưa mau hơn lá non, phiến lá xẻ cách từ 3-9 thuỳ, gân lá có gai nhỏ như lá non. Cũng có lá nguyên. Cụm hoa hình trứng hay hình cầu, cành mang hoa dài 10-20cm, 6 cạnh có lông cứng, càng lên trên càng mau dần. Hoa màu trắng có lá bắc dài 1-2cm. Quả bế có 4 cạnh, màu xám trắng còn đài sót lại, dài 5-6mm
Công dụng và liều dùng
Tục đoạn thường dược dùng làm thuốc bổ toàn thân, thuốc dịu đau, bổ can, thận, nối gân xương, thông huyết mạch, lợi quan tiết, hết đau, an thai, dùng chữa đau lưng, động thai, di tinh, gân cốt đứt đau, chữa đau đớn do bị ngã, bị thương, còn có tác dụng lợi sữa, an thai, cầm máu.
Liều đùng: Ngày uống 9-18g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Bài thuốc có tục đoạn dùng trong nhân dân
Chữa động thai: Tục đoạn (tẩm rượu) 80g, đỗ trọng (tẩm nước gừng rồi sao cho đứt tơ) 80g. Hai vị tán nhỏ trộn với thịt táo đỏ (táo Trung Quốc) viên bằng hạt ngô. Ngày uống 30 viên, chiêu thuốc bằng nước cơm.
Chữa người mới sinh lúc nóng lúc rét phiền muộn: Tục đoạn 40g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
Đức Doãn (Theo Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam)