Trong thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp siết chặt công tác quản lý, tuy nhiên, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tai nạn lao động (TNLĐ) gây chết người; bệnh nghề nghiệp (BNN) vẫn còn xảy ra.
Theo báo cáo của ngành chức năng, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNLĐ, tăng 4 vụ so với năm 2019; trong đó có 3 vụ làm 3 người chết. Các vụ tai nạn dẫn đến chết người chủ yếu bị điện giật trong quá trình thi công công trình, rơi từ trên cao xuống, do người lao động (NLĐ) không thực hiện đúng các quy trình, thủ tục trong việc sử dụng máy móc, thiết bị trong lao động. Nguy cơ TNLĐ luôn là mối nguy thường trực, tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều chủ doanh nghiệp, công nhân lao động vẫn chưa có ý thức trong việc thực hiện các quy định ATLĐ trong quá trình lao động, sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2020, qua thanh tra tại 25 doanh nghiệp về tình hình thực hiện ATVSLĐ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm, nhắc nhở, kiến nghị các doanh nghiệp khắc phục, tập trung vào các lỗi: doanh nghiệp chưa khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; chưa tổ chức huấn luyện công tác vệ sinh an toàn, vệ sinh lao động...
Thiếu ý thức là nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Cũng trong năm 2020, qua thưc hiện 10 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 32 doanh nghiệp trên các lĩnh vực ngành quản lý có nguy cơ cao TNLĐ như: điện lực, an toàn đập thủy điện, hoạt động trong bảo quản, sử dụng hóa chất, khai thác khoáng sản… Sở Công Thương phát hiện có 1 doanh nghiệp vi phạm và đã xử phạt hành chính 60 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn 6 tháng. Hay, Liên đoàn Lao động tỉnh qua tổ chức giám sát 10 doanh nghiệp về chấp hành pháp luật lao động, cũng đã phát hiện chỉ có 59/1.504 lao động được huấn luyện ATVSLĐ, chiếm 3,9%; 2/10 doanh nghiệp chưa quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc theo quy định. Nhiều công nhân cũng không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc…
Không chỉ riêng tại tỉnh ta, qua các báo cáo tổng hợp và phân tích của Ban Chỉ đạo Tháng ATVSLĐ Trung ương, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ TNLĐ là do NLĐ không được huấn luyện, hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc ATVSLĐ. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Tháng ATVSLĐ Trung ương đã lấy chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” cho Tháng hành động vì ATVSLĐ năm 2021, diễn ra từ ngày 1 đến 31-5.
Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, trong Tháng hành động năm nay, cũng như thời gian tiếp theo, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tự kiểm tra các thiết bị, máy, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; kiểm tra các dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy, kịp thời thay thế và bổ sung những thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết. Tập trung rà soát, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tình hình TNLĐ, BNN.
Thực tế từ các vụ TNLĐ trong thời gian qua cho thấy, để quản lý hiệu quả công tác ATVSLĐ, hạn chế tối đa vụ TNLĐ, ngoài việc kiểm soát tốt các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ của các ngành chức năng thì người sử dụng lao động cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho NLĐ; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; hướng dẫn NLĐ tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trước khi làm việc, trong quá trình lao động. Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện sớm BNN. Thường xuyên kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục ngay khi các điều kiện lao động không đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, trong Tháng hành động, các cấp, các ngành còn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tổ chức tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ. Tổ chức Hội thi ATVSV, các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về ATVSLĐ; thực hành sơ cấp cứu TNLĐ tại doanh nghiệp. Phát động các phong trào thi đua, ký giao ước thi đua đảm bảo ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ, đội; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm TNLĐ, BNN; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ. Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN... Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kiến thức cho người sử dụng lao động, NLĐ trong việc thực hiện quy định ATVSLĐ, bảo vệ tính mạng, tài sản, góp phần giúp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Uyên Thu