Nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, Thuận Nam giữ một vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng - an ninh hết sức quan trọng. Sau 46 năm Ninh Thuận được giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất; 29 năm tái lập tỉnh, nhất là trong nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Nam đã tập trung lãnh đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị một cách quyết liệt nên tạo sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế được duy trì, một số lĩnh vực phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, bình quân 31,6%/năm; công tác hoàn thiện hạ tầng, kêu gọi đầu tư được đẩy mạnh; thu hút, triển khai nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển các ngành kinh tế chủ lực được huyện khai thác triệt để, tạo bước đột phá mới.
Công nhân Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế biến Muối Bim thu hoạch muối tại xã Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Minh Hà
Việc xác định hướng đi đúng, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở, sản xuất công nghiệp ngày càng khởi sắc, với những công trình, dự án trọng điểm đã và đang đi vào hoạt động tạo năng lực mới, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của huyện và của tỉnh. Đáng kể nhất là Thuận Nam đã thực hiện quy hoạch và xây dựng các Khu công nghiệp Phước Nam, Cà Ná; Cụm công nghiệp Hiếu Thiện. Đối với phát triển năng lượng tái tạo, Thuận Nam đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các ngành có lợi thế. Đến nay, huyện đã triển khai 29 dự án điện gió và điện mặt trời, trong đó có 14 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 1.179 MW và 1 dự án điện gió với công suất 37,6 MW đi vào hoạt động. Hiện nay trên địa bàn huyện đang triển khai xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná, Trung tâm Điện khí LNG Cà Ná, Khu công nghiệp Cà Ná, các dự án năng lượng..., tạo động lực cho nền kinh tế của huyện phát triển.
Về khai thác thủy sản, huyện chủ động triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tàu thuyền tham gia đánh bắt xã bờ và phát triển thủy sản. Đến nay, có 10 tàu được vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu cá; đồng thời, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 106 tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất, đánh bắt xa bờ. Cùng với đó, huyện tập trung khai thác các tiềm năng du lịch để từng bước phát triển, đó là hình thành các khu du lịch độc đáo, có tính khác biệt như “Làng Mông Cổ” nằm trong Khu du lịch thể thao mạo hiểm Tanyoli, thu hút nhiều khách tham quan, nghỉ dưỡng.
Một góc Khu du lịch Tanyoli. Ảnh: CTV
Lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt được nhiều thành tựu. Huyện chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình mới có hiệu quả được duy trì và mở rộng. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều bước phát triển, dần trở thành ngành sản xuất chính có tốc độ tăng trưởng khá cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Nhị Hà - Phước Hà đang từng bước được đầu tư, huyện cũng chủ động phát triển những những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng có giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Với quyết tâm, phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, huyện đã kịp thời triển khai, thực hiện các nghị quyết của trung ương, của tỉnh có hiệu quả, nhất là Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế ở địa phương. Huyện xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, để định hướng cho các ngành công nghiệp hoạt động theo hướng bền vững, tạo động lực làm thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển những công trình, dự án trọng điểm, tạo bước đột phá đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện. Cùng với đó, tập trung giải quyết tốt khâu giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, tạo nguồn nhân lực chất lượng và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực mà huyện có thế mạnh.
Phát huy thành tựu đạt được, trong những năm tiếp theo, Thuận Nam tập trung chỉ đạo tiếp tục phát triển các nhóm ngành, lĩnh vực trọng điểm về kinh tế biển, công nghiệp năng lượng, điện khí và khí hóa lỏng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh, tạo giá trị gia tăng, nhất là du lịch biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại, vận tải biển. Triển khai xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 Cảng tổng hợp Cà Ná, đầu tư Cảng khí LNG Cà Ná. Phối hợp với các ngành giải quyết tốt khâu giải phóng mặt bằng dự án Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, Khu du lịch Cà Ná Start đảm bảo sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Thực hiện các giải pháp thu hút, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đến đầu tư. Qua đó, từng bước đưa huyện trở thành vùng trọng điểm về phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh.
Tiến Mạnh