Thuận Bắc vươn mình phát triển

Sau ngày tái lập tỉnh (4-1992), nhất là giai đoạn huyện Thuận Bắc được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu tháng 10-2005, bức tranh kinh tế huyện Thuận Bắc được tô thêm nhiều điểm sáng; từng bước vươn mình trở thành địa bàn phát triển trọng điểm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh.

Nhớ lại ngày đầu bước vào công cuộc xây dựng quê hương, Thuận Bắc đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nằm ở khu vực có nhiều đồi núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, đất canh tác nông nghiệp chỉ có 26,5% trong tổng diện tích tự nhiên. Cùng với đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, năng suất và hiệu quả kinh tế khá thấp. Đứng trước bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Bắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh đoàn kết của Nhân dân thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất các chương trình hành động, đề ra kế hoạch sát với thực tế; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của cấp trên, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, tạo sự phát triển vượt bậc về mọi mặt.

Điểm nhấn dễ nhận thấy ở Thuận Bắc, đó là nếu như trước đây sản xuất chỉ dừng lại ở việc độc canh cây lúa, phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì nay với tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng giải pháp, định hướng đúng đắn đã vực dậy sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đặc biệt, hàng loạt công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư trên địa bàn giúp chủ động nước tưới, phủ xanh cho hàng ngàn hécta đất canh tác thiếu nước; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, có hiệu quả liên tục phát triển và nhân rộng. Hiện nay, ngoài duy trì 4 cánh đồng lúa lớn, với diện tích 289 ha cho năng suất đạt từ 7-8 tấn/ha; huyện còn hình thành mô hình trồng cây măng tây xanh 13 ha, thu nhập bình quân 145 triệu đồng/ha/tháng; tưới nước tiết kiệm trên cây màu và cây ăn quả với quy mô 7,19 ha; trồng cây điều ghép tại 3 xã miền núi Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Nông dân huyện Thuận Bắc thu hoạch lúa đạt năng suất cao. Ảnh: Văn Nỷ

Chăn nuôi cũng có bước đi lên rõ nét, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ đã được khắc phục, các nông hộ biết tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi. Đáng chú ý hơn, huyện đã xây dựng được 2 thương hiệu sản phẩm đặc thù “Heo đen và Gà đồi Thuận Bắc”, đưa vị thế ngành chăn nuôi có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Từ những kết quả đạt được, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trên cả 3 mặt về diện tích, năng suất và chất lượng; đến nay, giá trị canh tác trên 1 ha đạt 97 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 2,2 triệu đồng/người vào năm 2005 hiện lên 40 triệu đồng/người/năm.

Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp đang ngày càng phát triển, với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, địa phương huy động, kêu gọi và thực hiện nhiều chính sách thu hút các các doanh nghiệp đến đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến. Mặt khác, huyện còn vận dụng sáng tạo các chính sách của trung ương và của tỉnh, nhất là cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đã tập trung làm tốt công tác điều hành, chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho nhà đầu tư; nhờ đó, ngày càng có nhiều dự án đi vào vận hành thương mại. Xác định các dự án NLTT là tiềm lực quan trọng thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển vững mạnh trong tương lai, các phòng, ban chuyên môn của huyện nâng cao vai trò phối hợp, quyết tâm đẩy nhanh hoàn thành 9 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 756 MW. Đồng thời, tiếp tục rà soát khu vực có khả năng phát triển ngành năng lượng, khuyến khích phát triển các dự án với quy mô nhỏ dưới 1 MW tại các khu vực đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, dọc triền núi.

Một góc Nhà máy điện gió và điện mặt trời Trungnam (Thuận Bắc). Ảnh: N.T

Hoạt động du lịch trong những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực. Để phấn đấu đưa huyện Thuận Bắc trở thành vùng trọng điểm về du lịch theo quy hoạch của tỉnh, ngoài dự án kinh tế trọng điểm Khu du lịch Bình Tiên đang triển khai; tận dụng lợi thế địa hình để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, du lịch sinh thái tại khu vực vùng hồ Sông Trâu và bình nguyên Ba Chi - Ma Trai, cụm Tháp di tích văn hóa tháp Hòa Lai..., góp phần giải quyết việc làm ổn định lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp vào ngân sách địa phương.

Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, bà con vùng miền núi đã thụ hưởng được nhiều công trình phúc lợi. Đến nay, hệ thống giao thông của huyện phát triển nhanh, với 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hoặc nhựa hóa. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, dịch vụ chăm sóc y tế, trợ giúp cho học sinh nghèo đến trường, trợ giúp pháp lý nâng cao hiểu biết pháp luật cho dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng. Chứng kiến bao sự đổi thay của huyện nhà, bà Chamaléa Thị Bung, thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, phấn khởi: Nhờ được định hướng, chỉ dẫn cách làm ăn, bà con mình đã biết cách phục hóa, đổi mới sản xuất, cảnh đói nghèo đã được đẩy lùi, không còn khó khăn như thời quê hương mới giải phóng nữa; hộ nào cũng có điều kiện sắm sửa tivi, xe máy phục vụ sinh hoạt đời sống gia đình.

Thành quả đạt được sẽ là động lực quan trọng để Thuận Bắc tiếp tục gặt hái thành công trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đồng chí Vũ Ngọc Đương, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc, cho biết: Huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển mạnh về công nghiệp, NLTT, dịch vụ, du lịch. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.