Trong điều kiện nguồn lợi hải sản ngư trường ven bờ ngày càng cạn kiệt, việc phát triển các đội tàu khai thác xa bờ là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao sản lượng khai thác đang được các ngành, địa phương, ngư dân tập trung thực hiện.
Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Định hướng phát triển nghề cá giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là tiếp tục tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề khai thác vùng lộng một cách hợp lý; tăng năng lực đội tàu khai thác xa bờ theo hướng phát triển các nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, lưới rê hỗn hợp để khai thác các loài hải sản ở vùng khơi cho giá trị kinh tế cao. Để hoạt động khai thác xa bờ có hiệu quả, tỉnh chỉ đạo ngành Thủy sản đẩy mạnh triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá, góp phần khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Tàu công suất lớn đang làm đổi thay cuộc sống ngư dân tỉnh nhà. Ảnh: V.M
Kỳ vọng khai thác hải sản năm nay sẽ tạo được đột phá mới khi ngành chức năng đang triển khai đồng bộ các giải pháp lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá nhằm ngăn chặn không xâm phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chi cục Thủy sản chủ trì cùng với Ban Quản lý Khai thác các cảng cá và Văn phòng Thanh tra, kiểm soát nghề cá tiếp tục tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Từ nay đến cuối quý II, tập trung rà soát, tuyên truyền, đảm bảo 100% tàu cá khai thác vùng khơi được lắp đặt, kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Trong năm 2021, tỉnh đề ra kế hoạch có 785 tàu dài từ 15 m trở lên tham gia khai thác xa bờ, sản lượng 83.650 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng khai thác hải sản. Để đạt kế hoạch đề ra, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh phát triển dịch vụ đóng, sửa chữa tàu thuyền, nâng cấp đội tàu khai thác xa bờ đủ điều kiện hoạt động dài ngày trên biển; tiếp tục xây dựng, mở rộng các cảng cá, bến cá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm hải sản sau khai thác. Tăng cường dự báo thông tin ngư trường khai thác vùng biển xa bờ, khu vực Trường Sa, khu vực nhà giàn DK1 để ngư dân chủ động xây dựng kế hoạch, di chuyển thuyền nghề khai thác hợp lý để đạt hiệu quả cao.
Ngư dân huyện Thuận Nam đầu tư tàu thuyền công suất lớn, thiết bị hiện đại để phát triển kinh tế biển. Ảnh: Văn Miên
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ khai thác xa bờ, tổ chức lại khai thác vùng lộng với vùng bờ; chuyển giao các ứng dụng thiết bị hàng hải hiện đại như máy thông tin liên lạc VX-1700, máy dò ngang Sonar, máy Rada hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực... để nâng cao hiệu quả khai thác cho ngư dân. Phân công kỹ sư khai thác hải sản tham gia cùng với ngư dân ra các ngư trường khai thác thuộc vùng biển các tỉnh Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang để hỗ trợ kỹ thuật khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản và không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Chú trọng xây dựng các mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển. Các tổ, đội tàu cá khai thác liên kết chặt chẽ với đội tàu cá hậu cần nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí các chuyến biển và tăng hiệu quả đánh bắt; đồng thời, hỗ trợ nhau khi gặp sự cố thiên tai, tham gia cứu hộ cứu nạn trên biển.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tin rằng nghề cá từng bước phát triển bền vững, sản lượng khai thác sẽ đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Anh Tùng