Trong buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày chuyên đề thứ 3 với chủ đề: Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh việc đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược 10 năm (2011-2020) và phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tóm lược các nội dung trọng tâm chiến lược 10 năm (2021-2030) và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), cùng với đó là công tác tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và
phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trong phần đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược 10 năm (2011-2020) và phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần trả lời câu hỏi chúng ta đang ở đâu trong quá trình phát triển.
Đánh giá chung về kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Thành quả đó góp phần tô đậm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những thành tựu quan trọng của đất nước 10 năm qua, nhất là 5 năm qua và khẳng định, kết quả đó đạt được không phải là của một nhiệm kỳ cụ thể mà là dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết quả đó là sự tích lũy của nhiều nhiệm kỳ, của nhiều thế hệ mọi tầng lớp nhân dân. Kết quả đó có ý nghĩa hơn khi bắt đầu thực hiện chiến lược 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, đất nước ta gặp nhiều khó khăn lớn hơn dự báo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trước tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến khó lường, 10 năm qua và nhiều 5 năm vừa qua, toàn Đảng toản dân toàn quân ta đoàn kết chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, không chỉ là phương châm hành động, đây là bài học kinh nghiệm cho sự thành công. Đoàn kết hệ thống chính trị, đoàn kết các nhánh quyền lực dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ đoàn kết mà niềm tin nhân dân, và các kết quả cụ thể của nhân dân thì niềm tin vào Đảng và Nhà nước chúng ta hết sức mạnh mẽ. Từ quyết tâm đoàn kết ấy chúng ta đưa ra giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả, với những biến động tình hình trong nước, quốc tế kịp thời, nhờ đó đạt thành tựu quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự toàn diện từ tinh thần đoàn kết hoàn dân tộc, nhờ đó, đời sống vật chất tinh thần của người dân Việt Nam được nâng lên rõ nét, đặc biệt niềm tin người dân vào chế độ nâng lên, uy tín quốc tế nâng cao, nền tảng phát triển đất nước cho thời gian đến đã được chuẩn bị và khẳng định. Việt Nam là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới với mục tiêu kép.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm qua đạt 5,95%. Năm 2020 mặc dù gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng vẫn tăng trưởng 2,91%, là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công mục tiêu kép. Đặc biệt chất lượng tăng trưởng được cải thiện với đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 33,6% giai đoạn 2011-2015 và tăng lên 45,7% giai đoạn vừa qua. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,9%, cao hơn mức 5 năm trước đó ở mức 4,3%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt vấn đề, Việt Nam đã có quy mô GDP 343 tỷ USD, đứng 37 thế giới (từ xếp hạng thứ 55 đầu nhiệm kỳ), 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất thế giới. Việt Nam cũng là nước có độ mở kinh tế cao, tổng kim ngạch thương mại bằng 200% GDP. Như vậy Việt Nam đã có thứ hạng nhất định trên thế giới. Thủ tướng cũng đặt vấn đề, GDP bình quân đầu người nước ta đứng thứ 4 ASEAN. Riêng 5 năm qua, nước đã tạo ra 1.300 tỷ USD, giải quyết được 8 triệu việc làm là cố gắng rất lớn.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính - Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Từ những kết quả đạt được đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các định chế tài chính lớn từ Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới rồi các tổ chức xếp hạng tên tuổi thế giới đều đánh giá cao thành tựu của Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất nhân dân Việt Nam quyết tâm khát vọng làm được việc lớn hơn để xứng danh một đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến, đoàn kết quyết tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến yêu cầu khắc phục cho được những tồn tại bất cập cả trong dài hạn cũng như trong trung hạn.
Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thời gian tới, bên cạnh những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 bài học quan trọng trong giai đoạn 10 năm vừa qua. Trong đó bài học đầu tiên chính là bảo đảm mối tương quan hợp lý, hài hoà giữa tăng trưởng và ổn định; kiên trì ổn định vĩ mô, khắc phục nguy cơ tụt hậu; giải quyết các mối quan hệ trọng tâm về kinh tế.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu phải thực sự coi trọng phát triển văn hoá, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế. Coi giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng, động lực chủ yếu cho phát triển đất nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
"Sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong phát triển đất nước trên tinh thần đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là tất cả, không đoàn kết mất tất cả. Không phải chỉ xây dựng Đảng, mà cả kinh tế xã hội, kể cả phát triển địa phương và ngành. Mọi việc bất thành khi chúng ta không đoàn kết nhất trí. Tôi nói bài học này để cả cấp ủy chính quyền các cấp của chúng ta", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Về nội dung Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, Thủ tướng nêu rõ, chủ đề chất lượng là yếu tố hết sức quan trọng. Đó là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ba thành tố trọng tâm của chủ đề chiến lược. Cụ thể, các thành tố trọng tâm của chiến lược được xác định đầu tiên là động lực tinh thần và sự quyết tâm. Phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh của thời đại. Khát vọng đó phải đến từng người dân và cơ sở thì mới thành công. Thành tố thứ hai là cách thức, phương tiện chủ yếu, đó là huy động mọi nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thứ ba là mục tiêu phấn đấu: phấn đấu đến 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.
"Đây là mục tiêu lớn, trách nhiệm cao. Ta không phấn đấu mục tiêu này đất nước lạc hậu. Nếu chúng ta có chủ trương, biện pháp tốt có tính khả thi cao những mục tiêu này là có cơ sở khoa học", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo đó, những mục tiêu cơ bản đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, 7.500 USD một người và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao, 18.000 USD một người. Trong 5 năm tới (2021 - 2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm.
Theo TTXVN/Báo Tin tức