Qua thảo luận, các ý kiến nhất trí cho rằng Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những thành tựu và dấu ấn nổi bật, tiếp tục gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như hoạt động ngoại giao nghị viện.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khẳng định, nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật chất lượng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện tham nhũng chính sách. “Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ tất cả các quy định và đặt trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện thì có thể nhận thấy, có những quy định nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách”, đại biểu nhận định.
Dẫn chứng về các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ rõ, trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Hiện nay, vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong 72 đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua, có đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Từ thực tế này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần quan tâm, đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Bên cạnh đó, cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Quốc hội cần nâng cao hoạt động thẩm tra; hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Ngoài ra, cần đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình "cài cắm" các quy định trục lợi cá nhân vào pháp luật. Đặc biệt, cần sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, làm minh bạch hóa tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.
Đánh giá Quốc hội khóa XIV để lại những dấu ấn tốt đẹp trong nhân dân, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) bày tỏ: Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm cũng như làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm quý từ Quốc hội các khóa trước.
Đại biểu Ngô Sách Thực đưa ra một số đề xuất để Quốc hội tiếp tục đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn nữa, như trong nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật Giám sát nhân dân để phát huy các hình thức giám sát; tiếp tục tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, Quốc hội cần quan tâm đến các đại biểu chuyên trách; tăng số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách, hoàn thiện địa vị pháp lý, chế độ cho đại biểu chuyên trách; lựa chọn đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động chuyên trách, thể hiện ý chí, trí tuệ của nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhận định, Quốc hội khóa XIV đã chú trọng hơn cho nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật. “Trải qua một nhiệm kỳ hoạt động, với việc chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng và tuân thủ sự giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thì nhiều việc khó đã có những chuyển biến tích cực”, đại biểu ghi nhận.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hơn nữa việc giám sát lĩnh vực tư pháp để cùng với các cơ quan công tác thực hiện tốt mục tiêu không để xảy ra oan, sai và không để xảy ra bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong quá trình giám sát lĩnh vực tư pháp cùng với việc chỉ ra những hạn chế, tồn tại thì cũng cần quan tâm hơn đến những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan tư pháp để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ để giúp các cơ quan này hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, không khí diễn ra thẳng thắn, trách nhiệm và đầy cảm xúc. Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự thống nhất cao với dự thảo Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội cũng như Báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
“Chúng ta có quyền tự hào vì những đóng góp của chúng ta, từng đại biểu Quốc hội, từng Đoàn đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Theo TTXVN/Báo Tin tức