Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Để lại cho nhiệm kỳ sau một nền tảng vững chãi
Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng. Ảnh tư liệu: Văn Điệp/TTXVN
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nhấn mạnh, kết quả nhiệm kỳ là thành tựu chung của đất nước khi có sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân. Thành tựu vừa qua giúp vị thế, vai trò, tầm ảnh hưởng của Việt Nam được nâng lên đáng kể.
"Một nhiệm kỳ không hoàn toàn được trải hoa hồng nhưng chúng ta vẫn đứng vững và thành công. Nếu dự trữ ngoại tệ đầu nhiệm kỳ thấp thì nay đã đạt hơn 100 tỷ USD, nợ công từ 64% giảm xuống 55%, giữ lạm phát dưới 4%, xuất khẩu luôn luôn rất cao và hiện đang xuất siêu, năm nào cũng đạt và vượt thu ngân sách. Quý I/2021 tăng thu ngân sách 10% so với cùng kỳ, thể hiện rõ thành công trong điều hành, quản lý và vận hành cả hệ thống trong xây dựng kinh tế của đất nước...", Đại biểu Bùi Thanh Tùng phân tích.
Còn đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng trong nhiệm kỳ này Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã để lại cho nhiệm kỳ sau một nền tảng vững chãi. Bởi ngoài những thành tựu về kinh tế - xã hội thì niềm tin của doanh nghiệp, người dân là tài sản vô giá được nâng lên qua hành động, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Nhấn mạnh con người là yếu tố quyết định tất cả, đại biểu Đinh Duy Vượt đánh giá cao quá trình sàng lọc cán bộ, nhất là qua Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sắp tới đây là bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, để lại một bộ máy đã được chọn lọc.
Cũng nhấn mạnh yếu tố con người, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cho rằng cần tăng cường đổi mới, tiếp cận theo quan điểm mới hơn nữa trong giáo dục vì giáo dục là gốc tạo nên giá trị, tạo nền tảng. Bên cạnh đó, từ giáo dục cũng liên quan trách nhiệm của ngành nội vụ để tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng và đánh giá cán bộ.
"Và chỉ khi nào chúng ta có thang bậc đánh giá chuẩn thì mới chọn được con người tốt vào bộ máy" - đại biểu nhấn mạnh và mong nhiệm kỳ tới có chỉ đạo nghiên cứu sâu sắc hơn vấn đề này, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa giáo dục và nội vụ vì giải quyết tốt hai khâu này sẽ tạo nền tảng tốt cho các khâu khác.
Tiếp tục khắc phục tình trạng luật chồng chéo
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Quốc hội trong nhiệm kỳ qua ngày càng có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, nhiều luật được ban hành nhưng lại chồng chéo khiến rất khó khăn trong khâu thực hiện.
“Nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh rằng có quá nhiều luật chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, dẫn đến người có thẩm quyền không yên tâm khi đưa ra các quyết định” - đại biểu Hoàng Ngân nêu rõ. Đại biểu đề nghị Quốc hội khóa tới cần đầu đầu tư cao hơn vào công tác lập pháp để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và đòi hỏi của nền kinh tế.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng “tuổi thọ” của luật hiện nay rất ngắn. Nhiều luật vừa làm xong đã phải sửa bởi khi áp dụng vào thực tế rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do cách soạn thảo luật chưa khách quan. Các bộ, ngành thường được giao chủ trì soạn thảo chỉ chú ý ban hành quy định có lợi cho ngành mình nên tính khách quan không cao.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đánh giá, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, đổi mới mạnh mẽ, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại; thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Theo TTXVN/Báo Tin tức