Thận trọng với cây cọc rào

(NTO) Tháng 6-2008, Bộ NN&PTNT phê duyệt đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây cọc rào (Jatropha Curcas L) ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến 2025”, đặt mục tiêu trong giai đoạn 2008-2010 trồng thử nghiệm, khảo nghiệm và sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau. Dự tính quy mô diện tích Jatropha khoảng 30.000ha, năm 2015 mở rộng khoảng 300.000ha và năm 2025 đạt tới 500.000ha.

Cây cọc rào dùng để chiết xuất dầu sinh học

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ năm 2008 đến nay, có 3 nhà đầu tư được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xem xét để vào nghiên cứu hợp tác, đầu tư trồng khảo nghiệm cây cọc rào. Trong đó, có 2 nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài (công ty CP Năng lượng xanh và công ty TNHH RIN Việt Nam – Nhật Bản) và 01 nhà đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Dầu Việt Nam với Công ty Idemitsu Nhật Bản. Hiện nay, với tổng diện tích trồng trên địa bàn tỉnh 319,7ha, trong đó 24,4 ha thuộc 2 xã Phước Đại và Phước Thắng (Bác Ái); 17,7 ha thuộc xã Nhơn Sơn, (Ninh Sơn); 47 ha thuộc thôn Bàu Ngứ, xã Phước Dinh (Thuận Nam), 284,4ha thuộc các xã Phước Hải, An Hải, Sơn Hải và Phước Dinh (Ninh Phước).

Các mô hình được triển khai trên nhiều loại hình thổ nhưỡng khác nhau để nghiên cứu tính thích nghi của cây cọc rào. Kết quả về sinh trưởng và phát triển, tỷ lệ sống 95%, những vùng đất đủ độ ẩm và điều kiện tưới tiêu thì cây phát triển tương đối tốt. Thế nhưng, ở những vùng đất hoang hóa, bạc màu, cây phát triển rất kém (chiếm đến 302 ha). Khả năng sinh trưởng và phát triển không đồng đều giữa các vùng đất, có hiện tượng sâu bệnh ở giai đoạn cây non.

Trước đây, không ít người đã đánh giá cao và mạnh dạn nhận định về năng suất của cây cọc rào, khi cho rằng, 1 ha cây cọc rào cho năng suất 8 - 12 tấn hạt/ năm. Thế nhưng, theo số liệu báo cáo thực tế triển khai của Trung tâm Công nghệ sinh học Lâm nghiệp “Sau 3 năm trồng thử nghiệm 8 ha tại xã Phước Dinh năng suất hạt chỉ đạt bình quân 507kg/ha, hàm lượng dầu dao động từ 28,56 - 40,69%” và xuất hiện hiện tượng sâu nhện, rệp, mối và bệnh lở cổ rễ.

Ông Châu Tuấn (Phước Hải - Ninh Phước) cho biết: “Tôi được Công ty Năng lượng xanh hỗ trợ trồng 5 triệu đồng/ha với 4,4ha, trồng được 8 tháng, phát triển tương đối nhưng chưa biết họ bao tiêu và mua sản phẩm ra sao?”

Còn hộ ông Báo Trung Tính, (Phước Hải) chia sẻ: “Công ty cam kết với chúng tôi sẽ thu 4.000 đồng/kg nhưng phải đợi 2 năm nữa, tôi cũng chưa biết ra sao. Hộ tôi trồng cây chỉ phát triển tốt khi có mưa”. Theo tính toán, để có 1kg dầu, cần phải có 3kg hạt (1kg hạt cọc rào hiện nay có giá là 4.000 đồng), với giá này chỉ tính riêng tiền nguyên liệu thì sản phẩm đầu ra đã lỗ, chưa kể đến công nghệ chiết tách, phân phối.

Theo báo cáo kiến nghị của Tổng cục V, Bộ Công An, sau gần 3 năm triển khai đề án đã xuất hiện một số bất cập: Việc phát triển cây cọc rào vẫn mang tính phân tán, thiếu quy hoạch vùng trồng, chưa có định hướng cụ thể cho các nhà đầu tư cũng như nông dân; Công tác nghiên cứu về giống, kỹ thuật trồng trọt, công nghệ chiết xuất tinh dầu chưa đồng bộ, chưa có giống đảm bảo năng suất ổn định và phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái. Nhiều công ty sử dụng giống nhập nội từ nước ngoài, đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam, sau nhiều năm trồng không đạt năng suất như khuyến cáo. Một số vùng đã trồng với quy mô lớn nhưng không quan tâm đầu tư công nghệ chiết xuất mà chỉ có các cam kết (không ràng buộc) mua bán hạt thô (thiếu sự liên kết giữa sản xuất – chế biến – thương mại).

Nhiều chuyên gia nghiên cứu khẳng định, cây Cọc rào chiếm diện tích đất lớn, dễ bị sâu tấn công, khả năng kháng bệnh thấp, đặc biệt là bệnh do vi khuẩn; đất trồng cọc rào bị thoái hóa nhanh và rất khó cải tạo để trồng các loại cây khác. Việc phát triển tràn lan đe dọa đến sự đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh.

Phát triển nhiên liệu sinh học nói chung, dầu sinh học từ cây Cọc rào nói riêng là một trong những chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển thay thế một phần năng lượng hóa thạch truyền thống đang ngày bị cạn kiệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển cây Cọc rào ở nước ta thời gian qua chủ yếu theo phong trào, còn nhiều bất cập, chưa có định hướng và quy hoạch phát triển không bền vững. Bên cạnh đó nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra những tác động xấu của loại cây này. Hiệu quả kinh tế và năng suất các giống nhập nội trồng tại Việt nam chủ yếu trên lý thuyết, chưa được nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá một cách thuyết phục, vì vậy, việc doanh nghiệp cũng như nông dân mở rộng diện tích trồng khi chưa có đủ thông tin có thể gây hậu quả khó lường trong tương lai.