Hàng hóa dồi dào
Nhằm bảo đảm hàng hóa cung ứng cho thị trường, giá cả ổn định, không để tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương đã tổ chức triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp thương mại lớn trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch để chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá phục vụ Tết gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Riêng 4 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn dự trữ khoảng 150 tỷ (gồm: Công ty TNHH TM&DV Sài Gòn-Phan Rang (Siêu thị Co.opmart); Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ; Công ty TNHH Dược phẩm Thương mại Thy Thy và Công ty TNHH TM và DV Trúc Nguyên), trong đó hàng hóa bình ổn là 55 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn tự chủ của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã quyết định tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính tỉnh 18 tỷ đồng để hỗ trợ một phần cho 4 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Tại Siêu thị Co.opmart, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm dịp cuối năm và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện doanh nghiệp đã làm việc với các đối tác, nhà cung cấp bảo đảm nguồn hàng và giá cả tốt nhất để vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vừa kích thích được nhu cầu tiêu dùng trong Nhân dân. Đồng thời, sẵn sàng can thiệp thị trường để hàng hóa Tết không bị đẩy giá trong bối cảnh người tiêu dùng còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ban Giám đốc Co.opmart Thanh Hà cho biết đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu lớn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thời điểm trước, trong và sau Tết với tổng giá trị lên đến 8 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng 9 nhóm hàng bình ổn thị trường, gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm và các loại đặc sản Tết.
Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, chia sẻ: Do tình hình dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm đến nay gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cung cấp hàng hóa, nên Co.opmart Thanh Hà đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm, tăng cường lượng hàng thiết yếu lên 2 lần nhằm chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa tết. Đồng thời chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh nhằm đảm bảo hàng thiết yếu giá tốt luôn đầy đủ, không bị đứt hàng. Trong phương án dự trữ hàng hóa năm nay, đơn vị cũng đã kịp thời bổ sung dự phòng một lượng tương đối các mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19 như khẩu trang, dung dịch sát trùng, nước rửa tay. Dự kiến trong thời gian Tết chúng tôi sẽ tổ chức khoảng 6 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của bà con trong tỉnh.”
Người dân chọn mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà
Cùng với đó, Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ cũng chuẩn bị hàng chục tấn gạo nếp, gạo tẻ, duy trì tốt các điểm bán hàng với tổng số tiền 7 tỷ đồng, Công ty TNHH Dược phẩm Thương mại Thy Thy cũng chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao những ngày cận Tết với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng; Công ty TNHH TM và DV Trúc Nguyên chuẩn bị số lượng hàng hóa với số tiền 19,6 tỷ đồng. Đặc biệt, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã gia tăng sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng cao trong dịp Tết.
Đảm bảo bình ổn giá
Để đảm bảo cân đối “cung - cầu” hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã mở 8 điểm bán hàng bình ổn cố định và tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động tại 36 xã thuộc 6 huyện (Ninh phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và Bác Ái), đưa hàng hóa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ bà con mua sắm Tết trên địa bàn tỉnh. Đối với hàng hóa là sản phẩm OCOP, đặc thù, đặc sản của tỉnh có 5 điểm do Sở Công Thương hỗ trợ hình thành đang hoạt động, đây là các điểm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, cũng là địa điểm để người dân mua sắm trong dịp Tết.
Hàng hóa tham gia Chương trình bình ổn là hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định; nguồn cung ổn định, đảm bảo cân đối “cung- cầu” và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường. Các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thực hiện bình ổn tập trung vào 8 nhóm mặt hàng như: Gạo, nếp; thịt heo, bò; thịt gà, vịt; trứng gà, vịt thực phẩm chế biến; dầu ăn; đường; rau, củ, quả tươi.
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng ổn định phục vụ Tết, bên cạnh công tác dự trữ và tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn, Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra về an toàn thực phẩm tập trung mạnh vào tháng Tết nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, đảm bảo cho người dân đón Tết an toàn.
Hàn Dạ Nguyệt