Điển hình là 16 HTX ở huyện Ninh Phước đã liên kết với doanh nghiệp thực hiện sản xuất 40 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 2.225 ha theo chuỗi giá trị lúa. Các HTX chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, ký kết hợp đồng với Nhà máy Xay xát lúa Kim Tuyến, Hưng Hào, Đông Nam để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, giảm chi phí sản xuất, đem lại nhiều lợi ích cho các thành viên.
Hiệu quả của các mô hình mới kể trên đã khuyến khích nhiều nơi học tập áp dụng, làm thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sang tập trung quy mô hàng hóa. Vượt qua khó khăn của nắng hạn, HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, HTX Kinh doanh, Dịch vụ Nông nghiệp An Xuân liên kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận và một số doanh nghiệp chuyên trồng măng tây xanh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã tạo đột phá trong tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Mô hình cánh đồng lớn trồng măng tây xanh lợi nhuận thu được 1,1 tỷ đồng/ha/năm, tạo bứt phá trong nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Qua đó, làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, giải phóng sức lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thành viên Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận thực hiện quy trình bao trái tại vườn. Ảnh: V.M
Chuỗi giá trị măng tây xanh hình thành, đảm bảo cho sản xuất ở những vùng khó khăn về nước tưới phát triển bền vững. Diện tích măng tây xanh liên tục tăng, đến nay toàn tỉnh có hơn 300 ha. Theo chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, chương trình phát triển măng tây xanh trong thời gian tới chú trọng áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, có định hướng theo thị trường trong và ngoài nước. Chị Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, cho biết: HTX xã liên kết với Trang trại Hữu cơ Tiên Tiến trồng măng tây xanh đã thắng lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 2 năm thực hiện mô hình liên kết sản xuất, đến nay HTX đã hình thành được vùng sản xuất tập trung cánh đồng mẫu lớn, tạo thuận lợi cho áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật một cách đồng bộ, hiệu quả.
Đứng trước những yêu cầu cấp thiết về việc mở rộng thị trường, thông qua tài trợ của các tổ chức quốc tế, một số HTX đổi mới hoạt động theo chuỗi giá trị cũng đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tầm Ngân chuyên trồng ớt sạch theo mô hình khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm. HTX nho Evergreen Ninh Thuận được hỗ trợ đầu tư một số thiết bị như máy ép nho, cán nho, sấy nho và kho lạnh để bảo quản sản phẩm và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu của HTX.
Việc tạo ra các sản phẩm OCOP đang là hướng đi của các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh. Ảnh: V.Nỷ
Vai trò của mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX kiểu mới đang dần được khẳng định. Nhiều mô hình HTX tiêu biểu trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh đã cho thấy tính hiệu quả với những giá trị đạt được ngày càng cao. Cụ thể như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Suối Đá sau một thời gian hoạt động cầm chừng, thì năm 2020 đã có bước phát triển mới từ thực hiện mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững; trong đó, đáng kể là mô hình nuôi heo đen, gà thả vườn là các loại đặc sản của địa phương được người tiêu dùng ưu thích bởi chất lượng thịt thơm ngon. Anh Đỗ Huỳnh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Suối Đá, cho biết: HTX tự hào là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con địa phương. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, HTX đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết hợp đồng thành công và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị Co.opmart trên toàn quốc.
Theo Liên minh HTX tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 70 HTX nông nghiệp (chiếm 73,3% tổng số các HTX của toàn tỉnh), các HTX nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc nâng cao thu nhập cho các thành viên, nông dân vùng nông thôn; đồng thời, góp phần triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ thực tế có thể khẳng định, mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi chủ lực của các địa phương trong tỉnh. Mô hình liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm đạt kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Phát huy những thành tích đạt được, năm 2021 tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương chú trọng hỗ trợ các HTX tiếp cận vốn, năng lực điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để vững bước đi lên.
Anh Tùng