Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW, kết hợp với Trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV Trung Nam - Thuận Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 12.000 tỷ đồng, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời 450 MW, trạm biến áp 220/500kV và hơn 17 km đường dây truyền tải 500 kV, 220 Kv, đi qua 2 tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là dự án điện mặt trời có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần tăng giá trị xây dựng, công nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân, tạo thêm nguồn thu ngân sách và từng bước đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Thực tế, dự án thu hút gần 7.000 LĐ; trong đó, tỷ lệ LĐ phổ thông tại địa phương trong tỉnh chiếm gần 80%, tham gia vào các công việc, như: lắp ráp hệ thống pin, thi công đường dây truyền tải điện. Hiện nay, dự án đã đi vào vận hành và giải quyết việc làm ổn định cho trên 300 LĐ địa phương tham gia làm công tác bảo vệ, vệ sinh các cánh đồng pin với mức lương từ 5 -10 triệu đồng/tháng.
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương. Ảnh: Văn Nỷ
Anh Đàng Năng Trựng ở xã Phước Minh (Thuận Nam) là một trong số đó. Trước đây, anh làm phụ hồ, thu nhập không ổn định. Từ ngày Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam thi công, anh được chính quyền địa phương giới thiệu vào làm công nhân xây dựng. Nhờ siêng năng, chịu khó, khi công trình đi vào vận hành, anh tiếp tục được Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam tuyển dụng vào làm ổn định, với nhiệm vụ vệ sinh các cánh đồng pin. Hiện nay, thu nhập của anh gần 9 triệu đồng/tháng, giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Tương tự, anh Nguyễn Minh Tuấn ở xã Xuân Hải (Ninh Hải) cũng có cơ hội lập thân, lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình khi các dự án năng lượng tái tạo được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, anh theo học ngành Điện công nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trong suy nghĩ của anh, ra trường sẽ phải tìm việc ở một thành phố lớn nào đó để phù hợp với chuyên ngành đã chọn. Thời điểm anh Tuấn tốt nghiệp ra trường cũng là lúc Ninh Thuận thực hiện chính sách thu hút hàng loạt các dự án năng lượng tái tạo, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho anh cũng như nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đang học nghề điện. Năm 2019, anh được nhận vào làm việc tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
Các dự án năng lượng tái tạo góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ảnh: L.Vy
Đồng chí Phan Thủy, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thuận Nam cho biết: Là huyện thuần nông, trong 2 năm gần đây chịu tác động tiêu cực của các đợt hạn hán nên sản xuất bị ảnh hưởng. Vì vậy, công tác ổn định đời sống, giải quyết việc làm cho LĐ nông thôn gặp nhiều khó khăn. Chính nhờ các dự án năng lượng tái tạo triển khai thi công trên địa bàn đã tháo gỡ nút thắt trong bài toán giải quyết việc làm cho người LĐ địa phương. Kết quả, năm 2020, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 2.400 LĐ, với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Không những vậy, các dự án năng lượng tái tạo còn tác động dây chuyền kéo theo ngành dịch vụ phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 5,67%.
Năm 2020, cả nước có 31,8 triệu LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tỉnh ta còn khó khăn hơn khi phải chịu tác động kép của hạn hán và dịch bệnh. Thế nhưng, kết thúc năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.383 LĐ, đạt 105,35% kế hoạch năm; trong đó, số LĐ làm việc cho các công trình năng lượng tái tạo chiếm gần 50%. Theo định hướng phát triển của Tập đoàn Trung Nam, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Nhà máy Điện gió số 5 điện gió Phước Hữu, Nhà máy Điện mặt trời kết hợp công nghệ cao Phước Hữu (Ninh Phước), Nhà máy Điện gió Mũi Dinh và khu công nghiệp Cà Ná (Thuận Nam)… tiếp tục mở ra cơ hội để LĐ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lao động nông thôn có thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Lê Vy