Theo đó, đối tượng thụ hưởng chương trình theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg là các hộ đồng bào DTTS nghèo, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo nằm ở xã thuộc khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn. Ông Châu Văn Vé, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc, cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, có gần 70% dân số là đồng bào DSTS sinh sống, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay của NHCSXH Việt Nam, đơn vị đã tập trung tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, Trưởng các thôn, Tổ tiết kiệm vay vốn trên địa bàn rà soát, thông báo đến các đối tượng nằm trong danh sách phê duyệt khi có nhu cầu đều được tiếp cận vốn vay của NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, đã giúp nông dân ở xã Lợi Hải (Thuận Bắc)
đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Xã Phước Kháng là địa bàn tập trung đông đồng bào Raglai sinh sống. Thời gian qua, với sự hỗ trợ và những chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, nên đời sống của người dân có những chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã tạo động lực quan trọng giúp hàng trăm hộ gia đình được tiếp cận vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi mở ra cơ hội thoát nghèo. Ông Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã, nhìn nhận: Cùng với các chương trình cho vay khác của NHCSXH, hoạt động cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg mang nhiều ý nghĩa thiết thực, với mức cho vay ưu đãi, lãi suất thấp, phù hợp với điều kiện sinh sống của người dân ở khu vực miền núi. Chỉ tính riêng trong năm 2020, sau khi 38 hộ ở địa phương được huyện khai hoang cấp đất sản xuất trên diện tích 5,7 ha, cùng với vốn vay kịp thời của NHCSXH giúp bà con thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất như trồng cây điều ghép, chăn nuôi dưới tán rừng, đem lại kinh tế ổn định, nâng tổng số khách hàng còn dư nợ đến nay 191 hộ, với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Qua báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thực hiện chỉ tiêu cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg từ năm 2018-2020, trên địa bàn huyện Thuận Bắc có 458 hộ được vay vốn, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng số vốn cho vay trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, các hộ vay vốn tín dụng theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg tại địa phương đều sử dụng đúng mục đích, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4% mỗi năm, bình quân thu nhập đầu người vùng miền núi đạt 20,2 triệu đồng/năm. Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc tiếp tục rà soát các đối tượng còn dư nợ, định hướng hộ vay đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, đề xuất NHCSXH cấp trên có sự điều chỉnh phù hợp, nhằm tạo động lực phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi và phát huy hiệu quả chính sách cho vay của Chính phủ.
Hồng Lâm