Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, hiện là giảng viên cao cấp ngành năng lượng điện Măt Trời tại ANU, cho biết nhóm nghiên cứu của ông sẽ sử dụng khoản kinh phí này cho việc phát triển thêm các thiết bị tiên tiến giúp các nhà nghiên cứu đo đạc chính xác hơn tính chất quang điện tử của các vật liệu năng lượng Mặt Trời. Công nghệ mới này sẽ là bước tiến trong quá trình khai thác tiềm năng của quang điện như là một nguồn năng lượng sạch, giá cả phải chăng và bền vững cho mọi người.
Tấm pin năng lượng mặt trời tại trang trại ở ngoại ô Bowen, Queensland, Australia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo Tiến sĩ Hiếu, phần lớn số tiền trên sẽ được dùng để phát triển các thiết bị máy móc tiên tiến nhất. Số tiền còn lại sẽ được dùng để đào tạo các nghiên cứu sinh về cách thức vận hành và ứng dụng. Nhóm nghiên cứu hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành cơ bản việc lắp đặt các thiết bị và phương pháp đo đạc, sau đó sẽ áp dụng vào các vật liệu năng lượng khác nhau do các công ty năng lượng và nhóm nghiên cứu khác cung cấp.
Kể từ năm 2016 đến nay, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu đã nhận được tổng cộng 6,4 triệu AUD (khoảng 5 triệu USD) tiền tài trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ pin Mặt Trời thế hệ mới.
Theo TTXVN/Báo Tin tức