Trong một nghiên cứu do Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bẩn thực hiện được công bố trên Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học đã tìm hiểu về trường hợp của 2 cậu bé 23 tháng tuổi và 6 tuổi, xuất hiện các triệu chứng như ho, đau ngực và nhanh chóng được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Trước đó, sau khi 2 cậu bé này chào đời, người ta cũng phát hiện cả 2 bà mẹ đều bị ung thư cổ tử cung.
Ảnh minh họa.
Các nhà khoa học xác định rằng, 2 cậu bé có thể đã hấp thụ tế bào ung thư từ khối u cổ từ cung của người mẹ trong quá trình được sinh ra.
Nghiên cứu kỹ hơn, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, các khối u của cả mẹ và con đều dương tính với HPV type 16, một trong những type HPV nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và tổn thương tiền ung thư cổ tử cung. Việc giải trình tự thế hệ tiếp theo của các khối u cũng cho thấy khối u của các bé trai có các đột biến gene giống như các đột biến gene được tìm thấy trong bệnh ung thư của mẹ chúng.
Hơn nữa, khối u của các bé trai thiếu nhiễm sắc thể Y. Vì nam giới thường có một nhiễm sắc thể Y và một nhiễm sắc thể X, trong khi nữ giới thường có 2 nhiễm sắc thể X, điều này cho thấy khối u đến từ phía mẹ của họ.
Chúng ta biết rằng ung thư có thể lây sang thai nhi qua nhau thai trong một số trường hợp hiếm hoi, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng có điều gì đó khác biệt đã xảy ra trong 2 trường hợp này. Họ lưu ý cách các khối u chỉ được nhìn thấy trong phổi và khu trú dọc theo đường thở. Họ lập luận rằng điều này cho thấy các tế bào ung thư của người mẹ có trong nước ối, dịch tiết hoặc máu từ cổ tử cung và được các em bé hấp thụ trong quá trình sinh.
Một điều cũng khá bất thường là một trong số những bệnh nhân này tới 6 tuổi thì mới phát hiện ra ung thư trong khi căn bệnh này phải bắt nguồn ngay trước hoặc trong khi em được sinh ra. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này là do các khối u lây truyền đã gây ra phản ứng tự miễn dịch, đó là cách hệ thống miễn dịch đối phó với các mô của người hiến tặng và truyền máu và cơ thể của cậu bé đang cố gắng ngăn chặn ung thư.
Từ kết quả phân tích, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, cũng như nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
Trường hợp người mẹ bị mắc bệnh ung thư cổ tử cung sinh con, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị hình thức sinh mổ để hạn chế sự di chuyển của các tế bào ung thư.
Theo TTXVN/Báo Tin tức