Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Ninh Phước cho biết: Toàn huyện hiện có 39.372 hộ, với trên 163.000 người dân sinh sống tập trung ở 66 thôn, khu phố thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn. Thời điểm cuối năm 2015, số hộ nghèo của huyện còn 4.632 hộ, chiếm 13,66%; số hộ cận nghèo 5.116 hộ, chiếm 15,09% số hộ dân. Xây dựng kế hoạch đưa Chỉ thị số 20-CT/TU vào thực tiễn cuộc sống, cấp ủy và chính quyền huyện Ninh Phước xác định mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%/năm; riêng các xã có hộ nghèo trên 10%, giảm 4%/năm, nhưng đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%. Để thực hiện thành công các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, địa phương tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và các nhà tài trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển. Đồng thời hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả và tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, thông tin thị trường...
Gia đình chị Vương Thị Thúy Hằng ở thôn Nhuận Đức (Phước Hữu) chăn nuôi bò lai sind từ chương trình giảm nghèo cho thu nhập cao.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, huyện Ninh Phước huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo vững. Trong đó, có trên 6,4 tỷ đồng từ Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn phát triển vùng rau an toàn xã Phước Hải; xây dựng trường học ở các xã vùng bãi ngang Phước Hải, An Hải; hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo chăn nuôi; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số đào tạo nghề xuất khẩu lao động. Vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ 2,97 tỷ đồng phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn này hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo ở các thôn đặc biệt khó khăn như Liên Sơn 2 (xã Phước Vinh), Tà Dương (xã Phước Thái) và khu phố 6 (thị trấn Phước Dân). Bộ đội biên phòng tỉnh hỗ trợ 10 con bò giống cho các hộ nghèo xã An Hải nhận nuôi theo chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”...
Ngoài ra, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 1,32 tỷ đồng, giúp 108 hộ nghèo cải thiện về nhà ở phòng tránh bão lũ theo Quyết định số 48/2014/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời cho 305 hộ được vay gần 4,5 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội cải thiện nhà ở. Mặt trận các cấp và các nhà từ thiện hỗ trợ 7,4 tỷ đồng xây mới 186 căn nhà giúp các hộ nghèo có chỗ ở ổn định. Hỗ trợ trên 6 tỷ đồng trợ giá điện sinh hoạt cho 1.387 lượt hộ nghèo. Các hộ nghèo và hộ cận nghèo được cấp 47.363 thẻ BHYT khám, chữa bệnh cho 110.092 lượt người với chi phí trên 19,5 tỷ đồng; miễn giảm học phí 4.943 lượt học sinh, với số tiền 11,2 tỷ đồng. Toàn huyện có 13.223 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi 213,6 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả đã tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống hộ nghèo trên địa bàn huyện. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội đồng hành chung tay giảm nghèo bền vững cho đoàn viên, hội viên. Tính riêng trong năm 2020, Ninh Phước đã huy động các nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ thực hiện các dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 561 người; giải quyết việc làm mới cho 2.926 lao động; đưa 14 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Mặt trận phối hợp với UBND huyện giới thiệu 38 hộ nghèo cho 28 cơ quan, đoàn thể và 327 hộ nghèo cho các xã, thị trấn nhận giúp đỡ hộ nghèo điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, đã đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện Ninh Phước từ 23,9 triệu đồng/người/năm cuối năm 2015 tăng lên 45,5 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,66% xuống còn 3,04% và hộ cận nghèo đã giảm 15,09% xuống còn 8,12% vào cuối năm 2020. Toàn huyện hiện còn 1.195 hộ với 4.246 khẩu thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mới, chủ yếu là gia đình neo đơn, đông con thiếu lao động...
Chị Vương Thị Thúy Hằng ở thôn Nhuận Đức (xã Phước Hữu) cho biết, chị có chồng bị bệnh tim hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng từ chương trình giảm nghèo của huyện Ninh Phước giúp chị mua bò đực lai nuôi gần một năm trị giá trên 40 triệu đồng. Chị trồng cỏ và mua rơm dự trữ bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống cho đàn bò trong những tháng khô hạn. Trong tương lai, chị Hằng tiếp tục nhân giống đàn bò lai sind của gia đình hiện có 5 con lên 10 con nái sinh sản. Chị Hằng nỗ lực chăn nuôi gia súc, tích cóp vốn liếng dành dụm chữa bệnh cho chồng và nuôi con ăn học thành đạt, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nỗ lực thực hiện các giải pháp giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Ninh Phước tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn chính sách; thực hiện hiệu quả chương trình dạy nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,3% /năm. Huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách và hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Huy động sức mạnh của toàn dân tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Sơn Ngọc