Giới trẻ - "mồi ngon" của thuốc lá điện tử
Hiện nay, trên thị trường, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, còn có loại thuốc lá thế hệ mới, như: thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá làm nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Cả hai loại sản phẩm này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hít vào. Để thu hút người dùng, đặc biệt là giới trẻ, các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên thế giới đã chi những khoản tiền lớn, sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng để quảng cáo. Các sản phẩm này có thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, với nhiều hương vị, giá rẻ... và được quảng cáo và bán qua những kênh thương mại điện tử thông dụng mà giới trẻ đang sử dụng, như: internet, qua app điện thoại thông minh... nên rất thu hút thanh, thiếu niên.
Ở Việt Nam, theo một báo cáo cho thấy: trong vòng 3 tháng (7-9/2019) có tới hơn 61.000 tin, bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử; trong đó 99% tin bài được đăng trên mạng xã hội Facebook; nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, review kinh nghiệm sử dụng.
Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam (13-17 tuổi) có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6% (trong khi trước đó tỷ lệ này chỉ chiếm 0,2%). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn và ở nhóm người trẻ tuổi có mức sống khá.
Các con số thống kê cũng cho thấy, giới trẻ (14-30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử. 70% người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày do nicotine - chất gây nghiện có trong thuốc lá.
Theo WHO, chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc. Ngược lại, các bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường. Thậm chí nhiều người sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu.
Nhiều ca tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử
Các sản phẩm thuốc lá điện tử trên đều được các công ty thuốc lá giới thiệu là những sản phẩm ít độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đây chỉ là các quảng cáo nhằm gây nhầm lẫn. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây hại cho người xung quanh.
Theo Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - chất gây nghiện cao - là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều có thể gây ngộ độc. Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, chất nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kỳ, gây ra sinh non và thai chết lưu. Đối với thanh thiếu niên, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh của não bộ khiến người dùng trẻ tuổi dễ bị nghiện nicotine hơn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Thống kê của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ đã ghi nhận 2.807 ca tổn thương phổi có liên quan quan đến thuốc lá điện tử. Trong đó 68 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, thuốc lá điện tử vẫn được nhiều người vô tư sử dụng mà không biết hoặc cố tình bỏ qua những nguy hại của sản phẩm này với sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Nếu như trước kia, người sử dụng thuốc lá truyền thống còn e dè, tránh cho người thân không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khói thuốc thụ động thì ngày nay, do tin vào lời quảng cáo rằng thuốc lá điện tử không nguy hại, họ vô tư hút trong phòng kín, mà không lo ảnh hưởng đến người xung quanh.
Theo WHO, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 8 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá và hơn 1 triệu người chết vì các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Ước tính đến năm 2030, số người tử vong hàng năm do các bệnh liên quan với thuốc lá sẽ tăng lên 10 triệu người, nhiều hơn cả các trường hợp tử vong do nhiễm HIV, bệnh lao, tai nạn giao thông, tự tử... cộng lại.
Việt Nam hiện có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình; 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá.
Có thể nói, hút thuốc lá là mối đe dọa đối với bất kỳ người nào, bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc, trình độ văn hoá hay trình độ học vấn. Hút thuốc lá mang lại bệnh tật và tử vong, làm gia đình bần cùng và nền kinh tế quốc gia suy yếu. Không có loại thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe của con người. Hút một điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Do đó, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lan truyền COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể, hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch. Do đó, những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả COVID-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với COVID-19.
WHO cũng lưu ý hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.
Xây dựng ngôi nhà chung không khói thuốc
Trước những hiểm họa khôn lường trên, nhằm bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe khi sử dụng thuốc lá, WHO đã đưa ra chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020 là “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”. Chiến dịch toàn cầu nhân Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm trang bị các thông tin giúp thanh, thiếu niên nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá điện tử, cũng như bản chất các chiến thuật quảng cáo thuốc lá nhằm lôi kéo các thế hệ hiện tại và tương lai nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá.
Để bảo vệ thế hệ trẻ, đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới cấm buôn bán thuốc lá điện tử, trong đó nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á, như: Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Cũng đã có 100 quốc gia ban hành luật nội địa quy định đối với thuốc lá điện tử, trong đó có các quy định về độ tuổi tối thiểu được phép mua bán thuốc lá; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, đóng gói bao bì, các quy định về sản phẩm, phân loại thuốc lá điện tử...
Các chuyên gia nhận định, hiện tại Việt Nam chưa hình thành thị trường thuốc lá điện tử, mà chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua internet. Chính vì vậy, Việt Nam cần ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử là một cuộc chiến quyết liệt và bền bỉ, đòi hỏi sự quyết tâm và trách nhiệm của lực lượng chức năng, cùng với ý thức tự giác của mỗi người dân, gia đình và cộng đồng, để cùng chung tay xây dựng ngôi nhà chung không khói thuốc.
Theo TTXVN