Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Hà, việc kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thành công là thành tựu nổi bật nhất, giúp nâng cao vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có của Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề để Việt Nam hoàn thành tốt các trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN. Bà nhận định trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp rất quan trọng, cụ thể như sau:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Việt Nam đã chủ động kịp thời chuyển sang hình thức họp trực tuyến ngay từ tháng 4/2020. Đội ngũ phụ trách hợp tác ASEAN ở các bộ, ngành đều thích ứng nhanh với vai trò chủ trì, điều phối từ xa. Đây là điều không dễ dàng vì phương cách hoạt động truyền thống của ASEAN vốn là họp trực tiếp, thường xuyên, trên cơ sở đó xây dựng quan hệ hữu hảo để tạo đồng thuận. Một thành tựu tiêu biểu của những nỗ lực này là việc ký kết được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán khó khăn – cho thấy ý chí chính trị, nỗ lực phối hợp, tinh thần hợp tác nhân nhượng lẫn nhau để duy trì thương mại tự do đa biên vốn đang chịu nhiều sức ép từ chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy một loạt thỏa thuận và sáng kiến hợp tác khu vực về các vấn đề cấp thiết trong năm như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó dịch bệnh COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai; Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh dịch mới nổi. Theo bà, nếu được triển khai hiệu quả, những sáng kiến này vừa có đóng góp thực tiễn vào nỗ lực chống dịch của các quốc gia thành viên, vừa có ý nghĩa chính trị quan trọng, nêu bật đoàn kết hợp tác ASEAN trong khủng hoảng, rất phù hợp với tinh thần “ASEAN Gắn kết và Chủ động Thích ứng” mà Việt Nam đặt làm chủ đề cho năm Chủ tịch 2020.
Theo chuyên gia Hoàng Thị Hà, trong bối cảnh tình hình địa chiến lược khu vực rất phức tạp với mâu thuẫn nước lớn ngày càng gay gắt, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lập trường độc lập và “không chọn bên” của ASEAN. Bà lưu ý điều này không đồng nghĩa với việc giữ một lập trường trung lập cứng nhắc, ngoại giao cách đều thụ động. Như đã thể hiện trong Tuyên bố chung ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á được thông qua vào tháng 8/2020, lập trường trung lập của ASEAN dựa trên hai "cái neo" chủ chốt, đó là: Tuân thủ luật pháp quốc tế và Duy trì một trật tự khu vực mở và thu nạp, trong đó sự hiện diện và hợp tác của các nước lớn đều được hoan nghênh để khu vực này không phải là sân sau hay vùng ảnh hưởng riêng biệt của bất kỳ ai. Việt Nam cũng là nước đi đầu trong việc thúc đẩy một lập trường có tính nguyên tắc trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo TTXVN/Báo Tin tức